Tái ùn tắc nông sản biên giới: Doanh nghiệp xuất khẩu nhận "cú đấm bồi"
Khoảng 2.000 container hàng hoá đang nằm chờ ở cửa khẩu tỉnh Lạng Sơn, trong đó 82% là nông sản, khiến doanh nghiệp vận tải và doanh nghiệp xuất khẩu thêm thiệt hại.
Và 90% trong số này là xe chở hoa quả tươi từ các tỉnh phía Nam xuất khẩu sang Trung Quốc bằng đường bộ.
Khoảng 2.000 container hàng hoá đang nằm chờ ở cửa khẩu tỉnh Lạng Sơn, trong đó 82% là nông sản.
Ông Liễu Anh Minh, Phó giám đốc Sở Công Thương tỉnh Lạng Sơn cho biết, năng lực thông quan hiện vẫn rất hạn chế, khoảng 100-120 xe một ngày tại 3 cửa khẩu Tân Thanh, Hữu Nghị và Chi Ma.
Theo đó, phía Trung Quốc vẫn theo đuổi mục tiêu "zero Covid" nên siết chặt các biện pháp kiểm soát, phương thức giao nhận hàng để phòng, chống dịch.
Khoảng 2.000 xe đang nằm chờ tại các bến bãi tại cửa khẩu. Với năng lực thông quan hạn chế như này, theo ông Minh, phải mất 10-15 ngày Lạng Sơn mới xuất hết số xe này sang Trung Quốc.
"Tỉnh Lạng Sơn đã báo cáo Bộ Công Thương, đẩy mạnh đàm phán với Trung Quốc để có giải pháp, nâng cao năng lực thông quan. Nếu hai bên thống nhất thực hiện được, hy vọng năng lực thông quan sẽ cải thiện", ông Minh nói thêm.
Phương án tăng năng lực thông quan tại cửa khẩu, theo đề xuất của Ban quản lý khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn với phía Trung Quốc, là đề nghị cho lái xe chuyên trách Việt Nam lái phương tiện chở hàng hoá xuất nhập khẩu nhập cảnh vào khu vực bãi hàng Khả Phong (Pò Chài, Trung Quốc) để giao nhận hàng. Khi lưu thông trên lãnh thổ Trung Quốc sẽ niêm phong buồng lái, quản lý khép kín, không tiếp xúc... Phương án này đang được phía Trung Quốc xem xét.
Sau ngày 25/2, Sở Công Thương Lạng Sơn sẽ đánh giá lại tình hình, năng lực thông quan và lượng xe tồn tại các bến bãi, cửa khẩu để có biện pháp tiếp nhận hàng hoá hoa quả tươi từ các tỉnh, xuất khẩu sang Trung Quốc.
Việt Nam đề nghị cho lái xe chuyên trách lái phương tiện chở hàng hoá xuất nhập khẩu nhập cảnh vào khu vực bãi hàng Khả Phong để giao nhận hàng.
Tỉnh Lạng Sơn sẽ dừng tiếp nhận xe chở hoa quả tươi lên cửa khẩu để xuất đi Trung Quốc trong 9 ngày tới để giảm bớt lượng xe tồn ở các cửa khẩu Hữu Nghị, Tân Thanh và Chi Ma.
Trên thực tế, câu chuyện ùn tắc nông sản biên giới vẫn tái diễn hàng năm, tình trạng càng trở nên nghiêm trọng kéo dài từ trước Tết Nguyên đán đến nay do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 khiến doanh nghiệp xuất khẩu nhận "cú đấm kép". Chia sẻ với DĐDN về vấn đề này, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu Bộ Công Thương nhấn mạnh, nếu không thay đổi tư duy chuyển hướng sang xuất khẩu chính ngạch, thì câu chuyện ùn tắc còn tái diễn và nông dân, doanh nghiệp xuất khẩu sẽ tiếp tục chịu thiệt hại nặng nề.
Theo nhiều chuyên gia, nông sản Việt không chỉ cần đa dạng phương thức vận chuyển, từ đường bộ, đường biển, đường sắt…Thực tế, đã có không ít doanh nghiệp xuất khẩu nông sản bằng đường biển, thậm chí cả đường hàng không. Bên cạnh những cái tên như Vina T&T, Chánh Thu, Rồng Đỏ, Nafoods, Ameii, Bagico, Doveco, Hoàng Hậu, Visimex… có cả những doanh nghiệp nhỏ trong thời gian qua vẫn âm thầm xuất khẩu hàng nông sản ổn định.
“Vấn đề ở đây không chỉ là chuyển đổi từ xuất hàng bằng đường bộ sang đường biển, thay đổi phương thức vận tải mà trước hết phải là thay đổi tư duy, thay đổi thói quen xuất khẩu tiểu ngạch cố hữu ăn sâu trong suy nghĩ của nhiều nhà vườn, chủ vựa, thương lái, doanh nghiệp. Chúng ta phải làm ăn quy củ hơn, ngay từ khâu sản xuất, thương mại cho đến logistics. Doanh nghiệp nông sản không có cách nào ngoài chuyển sang con đường chính ngạch”, ông Hải nhấn mạnh.