Starbucks “loay hoay” ở Việt Nam
Trong bối cảnh các đối thủ lớn như Highlands Coffee hay The Coffee House liên tục mở mới chuỗi cửa hàng, Starbucks lại đang gặp nhiều khó khăn, thách thức khi đánh chiếm thị trường Việt Nam.
Starbucks tuyên bố đóng cửa cửa hàng Starbucks Lan Viên ở Quận Hoàn Kiếm từ ngày 30/6/2022.
Mới đây, Starbucks tuyên bố đóng cửa cửa hàng Starbucks Lan Viên ở Quận Hoàn Kiếm từ ngày 30/6/2022. Năm ngoái, chuỗi cà phê này cũng đã đóng cửa một cửa hàng khác ở Quận Hoàn Kiếm và một cửa hàng ở Quận 1, TP. Hồ Chí Minh.
Theo bà Patricia Marques, Giám đốc điều hành của Starbucks Việt Nam, sở dĩ Công ty này đóng cửa một số cửa hàng ở Việt Nam do hồi đầu năm nay, Công ty đang gặp khó khăn trong việc đàm phán giá thuê mặt bằng kinh doanh.
Ngoài ra, Starbucks nhận thấy khách hàng có xu hướng gọi đồ mang về nhiều hơn, vì vậy họ đang xem xét mở các cửa hàng đồ ăn mang về để phục vụ các khách hàng.
Dù Starbucks có tới hơn 30.000 cửa hàng trên toàn thế giới, nhưng chỉ đang sở hữu 78 cửa hàng tại Việt Nam. Trong khi đối thủ cạnh tranh của họ là Highlands Coffee có tới 500 cửa hàng và The Coffee House có 156 cửa hàng. Điều này cho thấy độ phủ thị trường của Starbucks ở Việt Nam vẫn còn hạn chế khi mới chỉ chiếm khoảng khoảng 1% thị phần café tại Việt Nam.
Đẳng cấp toàn cầu của Starbucks là điều không phải bàn cãi, nhưng họ vẫn “loay hoay” tìm lối đi riêng ở Việt Nam. Một số ý kiến cho rằng, việc Starbucks khó đánh chiếm thị phần tại Việt Nam là do họ bị văn hóa ẩm thực vỉa hè ở Việt Nam … hạ knock-out. Trên thực tế, người Việt thường thích một ly café sữa đá ở lề đường với giá “hạt dẻ”, hơn là việc ngồi trong một chiếc quán sang trọng với giá cao hơn nhiều.
Giống như pizza ở Ý, café ở Việt Nam không chỉ là món đồ uống thuần túy mà chứa đựng cả một giá trị văn hóa, cùng tồn tại và phát triển trên nền văn hóa chung của dân tộc. Vì vậy, nếu không có chiến lược khác biệt, Starbucks sẽ còn loay hoay ở Việt Nam.