SCIC thoái vốn tại Viettronics với giá khởi điểm hơn 1.066 tỷ đồng để thoái vốn
Ngày 8/2/2023 tới đây, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) sẽ tổ chức phiên đấu giá trọn lô cổ phần Tổng Công ty cổ phần Điện tử và Tin học Việt Nam (Viettronics) do Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) sở hữu.
|
SCIC là cổ đông chi phối nắm giữ 87,97% tổng số cổ phiếu đang lưu hành của Tổng Công ty cổ phần Điện tử và Tin học Việt Nam. Khối lượng cổ phần đưa ra đấu giá là 38.529.750 cổ phần, tương đương 100% số cổ phần SCIC đang sở hữu với giá khởi điểm là 1.066.469.000.000 đồng/lô cổ phần.
Viettronics tiền thân là Phòng Nghiên cứu Điện tử thuộc Bộ Cơ khí và Luyện kim (nay là Bộ Công Thương), được thành lập từ tháng 10/1970. Sau 53 năm hình thành và phát triển, Viettronics là một trong những doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực điện tử và tin học tại Việt Nam, sở hữu 6 công ty con và liên doanh, liên kết với 6 doanh nghiệp. Hiện vốn điều lệ thực góp của Viettronics là 438 tỷ đồng và đã đăng ký giao dịch cổ phiếu trên thị trường UPCoM tại HNX từ năm 2017, với mã chứng khoán VEC.
Viettronics hoạt động kinh doanh chủ yếu trong 3 lĩnh vực chính: điện tử dân dụng, điện tử chuyên dụng và công nghệ thông tin với 13 doanh nghiệp thành viên, doanh thu hàng năm khoảng 100 triệu USD, gia công xuất khẩu đạt khoảng 30 triệu USD/năm. Tổng công ty đã hợp tác dưới nhiều hình thức khác nhau với nhiều hãng điện tử và tin học nổi tiếng trên thế giới như Hoa Kỳ, Nhật Bản và các nước châu Á…. Các sản phẩm điện tử dân dụng của công ty như đầu karaoke, loa, âm ly, tủ cấp đông, nồi cơm điện có chất lượng cạnh tranh trên thị trường từ nhiều năm với một số thương hiệu tiêu biểu như VTB, VITEK, BELCO luôn giữ được vị thế trên thị trường hàng điện tử dân dụng nội địa. Bên cạnh đó, TCTCP Điện tử và Tin học Việt Nam đã ký kết một số hợp đồng về cung cấp, vận chuyển vật tư thiết bị điện với các đối tác lớn, tiêu biểu như Ban Quản lý dự án Điện 2, Tổng công ty Điện lực Miền Bắc, CTCP Tập đoàn Nagakawa, BQL dự án các công trình điện miền Trung, BQL dự án các công trình điện Miền Bắc, BQL dự án Điện 1 – CN Tập đoàn Điện lực VN, CTCP Đầu tư và xây dựng điện Long Hội, v.v…
Kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của Viettronics năm 2021 có sự giảm nhẹ so với năm 2020. Năm 2021, doanh thu thuần giảm hơn 41 tỷ đồng, từ hơn 668,78 tỷ đồng giảm còn 627,77 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế của Tổng công ty giảm 6,77 tỷ đồng so với năm 2020, từ hơn 7,95 tỷ đồng giảm còn 1,18 tỷ đồng.
Theo lý giải của Viettronics, sự sụt giảm này một phần do những biến động về kinh tế vĩ mô ảnh hưởng tới quyết định tiêu dùng của người dân và tác động tiêu cực tới mảng sản phẩm điện tử dân dụng, vốn là thế mạnh của Tổng công ty. Bên cạnh đó, Viettronics phải đối mặt với cạnh tranh gay gắt từ các đối thủ là những tập đoàn lớn từ các nước phát triển với tiềm lực tài chính mạnh, hệ thống sản phẩm điện tử chất lượng cao, giá cả cạnh tranh và có năng lực cao trong nghiên cứu phát triển sản phẩm mới. Ngoài ra, Tổng công ty đang thực hiện tái cấu trúc lại sản phẩm kinh doanh, bộ máy tổ chức và điều chỉnh cơ cấu đầu tư tại nhiều công ty con, công ty liên loanh liên kết nên kết quả sản xuất kinh doanh không cao, lợi nhuận và cổ tức ở mức thấp.
Năm 2022, hoạt động sản xuất kinh doanh của Viettronics có nhiều triển vọng. Theo đó, trong 9 tháng đầu năm 2022, tuy doanh thu thuần của Tổng công ty chỉ đạt gần 368,66 tỷ đồng, thấp hơn cùng kỳ năm 2021 nhưng lợi nhuận sau thuế đạt hơn 2,24 tỷ đồng, gấp gần 1,9 lần so với lợi nhuận cả năm 2021. Tổng tài sản của Tổng công ty tính đến 30/9/2022 đạt 848 tỷ đồng, tăng 18 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm. Nợ phải trả duy trì ở mức 262,82 tỷ đồng trong đó dư vay nợ thuê tài chính ngắn hạn gần 11,09 tỷ đồng và không có dư vay nợ thuê tài chính dài hạn. Hiện, Viettronics đang thực hiện các hợp đồng và khai thác mặt bằng tại các địa điểm 29F Hai Bà Trưng, Hà Nội, 15 Trần Hưng Đạo, Hà Nội và 197 Nguyễn Thị Minh Khai, TP. HCM.
Theo đánh giá của Viettronics, cùng với sự phát triển của đất nước và nhu cầu ngày càng tăng của con người, đặc biệt là nhu cầu sử dụng các thiết bị điện tử công nghệ cao phục vụ cho đời sống và công việc, ngành điện tử tin học có triển vọng phát triển tốt trong các năm tiếp theo. Tổng công ty đang hướng tới đầu tư nghiên cứu sản phẩm mới thuộc lĩnh vực điện tử, công nghệ thông tin, thiết bị y tế và thiết bị điện, cơ điện tòa nhà. Ngoài ra, việc triển khai đồng bộ liên kết các doanh nghiệp có vốn góp trên cơ sở phát huy lợi thế để tạo ra chuỗi giá trị gia tăng đồng thời xây dựng lộ trình để cung cấp các dịch vụ sản phẩm chuyên biệt có giá trị gia tăng cao và hiệu quả cũng là mục tiêu tiến tới trong tương lai của Viettronics.