A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp: Giảm gánh nặng vốn cho ngân hàng

Một giải pháp rất quan trọng và cần thiết để thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển lành mạnh, theo giới chuyên môn, đó là xếp hạng tín nhiệm.

Đa dạng kênh huy động vốn

Tại Hội nghị bàn về giải pháp tháo gỡ khó khăn triển khai gói hỗ trợ lãi suất 2%, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, sẽ sớm phân bổ nốt hạn mức room tín dụng còn lại cho các TCTD đáp ứng các tiêu chí, nguyên tắc của NHNN trong thời gian qua.

Theo số liệu của Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, hiện tăng trưởng tín dụng đã ở mức 9,63%. Dư địa tín dụng còn lại là gần 4,4%/tổng dư nợ, tương đương hơn 400 nghìn tỷ đồng để đầu tư cho các hoạt động sản xuất kinh doanh từ nay tới cuối năm.

Ảnh minh họa

Theo chia sẻ của ông Nguyễn Hoàng Minh - Trưởng đại diện Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam tại TP. Hồ Chí Minh, room tín dụng trên địa bàn này còn trên dưới 150 nghìn tỷ đồng. Với số vốn trên, ông Minh khẳng định các ngân hàng không thiếu vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh và những DN, tổ chức, cá nhân đủ điều kiện sẽ được tạo điều kiện tiếp cận vốn thuận lợi, thậm chí hưởng ưu đãi và hỗ trợ. Nhưng nếu không đáp ứng các điều kiện vay vốn thì các ngân hàng không thể cho vay vì rủi ro nợ xấu, ảnh hưởng an toàn hệ thống ngân hàng.

Hơn nữa theo các chuyên gia, dòng vốn tín dụng ngân hàng sẽ ngày càng được kiểm soát chặt hơn, đặc biệt là vốn trung dài hạn, lý do là nguồn vốn của các ngân hàng đa phần chỉ là ngắn hạn. Hơn nữa tỷ lệ tín dụng trên GDP của Việt Nam hiện đang ở mức rất cao và nếu tiếp tục tăng sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro gây bất ổn cho kinh tế vĩ mô và an toàn của hệ thống ngân hàng.

Trong bối cảnh trên, giới chuyên môn cho rằng các DN cần hướng tới các kênh vốn khác như phát hành cổ phiếu, trái phiếu hay nguồn vốn của các quỹ đầu tư. Trong đó phát hành trái phiếu được xem là kênh huy động vốn khá hiệu quả và mang lại nhiều lợi ích cho DN. Tuy nhiên, hiện nay, kênh này đang khá ảm đạm sau một số vụ lùm xùm phát hành trái phiếu của DN bất động sản và nhất là do những chính sách “nắn chỉnh” thị trường.

Báo cáo của Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam cho thấy, tính từ đầu năm đến hết ngày 19/8, phát hành trái phiếu DN riêng lẻ giảm 40% so với cùng kỳ năm ngoái. Đặc biệt trong gần 2 tháng qua, chỉ có một đợt phát hành trái phiếu của DN bất động sản là CTCP Fuji Nutri Food với khối lượng phát hành 1.000 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 1 năm. Theo kế hoạch từ nay đến cuối năm, cũng chỉ có thêm 1 DN bất động sản là CTCP Đầu tư và Kinh doanh Nhà Khang Điền phát hành trái phiếu.

Không phủ nhận trong ngắn hạn, thị trường trái phiếu DN sẽ tiếp tục xu hướng suy giảm về khối lượng phát hành, nhưng chuyên gia Fiin Group kỳ vọng thị trường này sẽ dần sôi động trở lại vào đầu quý IV/2022 tới đây khi nghị định sửa đổi Nghị định 153 quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu DN riêng lẻ được ban hành theo đúng dự kiến với quy định pháp lý rõ ràng, minh bạch cho nhà phát hành lẫn nhà đầu tư. “Sang năm 2023, thị trường TPDN có những thay đổi về chất theo xu hướng phát hành đại chúng sẽ tăng trưởng mạnh về quy mô, nhất là từ các DN có hồ sơ kinh doanh tốt và chủ động minh bạch hồ sơ tín dụng của họ trên thị trường”, chuyên gia Fiin Group nhận định.

TS. Lê Xuân Nghĩa - Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia cho rằng, phải nhanh chóng có giải pháp nhằm phục hồi thị trường trái phiếu DN, bởi nếu thị trường trái phiếu đổ vỡ sẽ không riêng gì bất động sản bị ảnh hưởng. Hơn nữa không thể đẩy gánh nặng cấp vốn trung, dài hạn cho ngân hàng mãi.

Tăng tính minh bạch cho thị trường trái phiếu

Có thể nói, tuy không quá kỳ vọng sẽ giải quyết được hết mọi vấn đề còn tồn tại trên thị trường trái phiếu, nhưng trong bối cảnh hiện tại, việc sớm phê duyệt Dự thảo sửa đổi Nghị định 153/2020/NĐ-CP để có khuôn khổ chặt chẽ hơn trong các điều kiện phát hành như giám sát mục đích phát hành, yêu cầu thẩm định tài sản đảm bảo… từ đó góp phần giúp thị trường vận hành ổn định và bền vững, tạo nguồn vốn trung, dài hạn cho DN, cân đối thị trường vốn, chứng khoán, tiền tệ.

Kỳ vọng Nghị định 153/2020/NĐ-CP sửa đổi sớm được ban hành, song TS. Lê Xuân Nghĩa lưu ý, nếu cứ ồ ạt phát hành riêng lẻ thì thị trường trái phiếu DN không thể minh bạch hơn được và việc xếp hạng tín nhiệm trở nên vô nghĩa. Do đó, cơ quan quản lý phải nhắm đến đẩy mạnh phát hành trái phiếu ra công chúng.

“Từ nay đến cuối năm chưa phải là thời điểm chúng ta đưa ra được quy định căn cơ. Đây mới là thời điểm chống chọi với những nguy cơ trước mắt và khắc phục những nguy cơ đổ bể cho hệ thống tài chính. Tuy nhiên, về lâu dài, cần hạn chế tối đa việc phát hành riêng lẻ và mở rộng tối đa việc phát hành ra công chúng, tăng tính minh bạch cho thị trường trái phiếu”, TS. Lê Xuân Nghĩa khuyến nghị.

Một giải pháp rất quan trọng và cần thiết để thị trường này phát triển lành mạnh, theo giới chuyên môn, đó là xếp hạng tín nhiệm. Hiện tại vấn đề này chưa được quan tâm đúng mức, nên cả nước mới có hai công ty xếp hạng tín nhiệm DN. Trong khi, xếp hạng tín nhiệm là công cụ cần thiết cho các NĐT đánh giá “chất lượng” trái phiếu, nhất là các NĐT khả năng phân tích tình hình tài chính của DN phát hành còn hạn chế…

“Các NĐT, nhất là NĐT trong cộng đồng không thể nhìn vào bảng cân đối tài chính, báo cáo kết quả kinh doanh, báo cáo dòng tiền,… để quyết định đầu tư. Họ đơn giản quan tâm chuyện DN đó được xếp hạng như thế nào. Với NĐT chuyên nghiệp, NĐT lớn, dài hạn, họ có thể nghiên cứu sâu hơn là trình độ quản trị, các dự án trong quá khứ và trong tương lai, nhưng NĐT nhỏ lẻ họ chỉ nhìn vào xếp hạng thôi. Không có xếp hạng giống như đi trong sương mù”, TS. Lê Xuân Nghĩa nói.

Chung quan điểm, để tăng tính minh bạch, tạo niềm tin cho thị trường, một chuyên gia ngân hàng đề xuất, cần có quy định bắt buộc các tổ chức phát hành trái phiếu cần phải được xếp hạng tín nhiệm. Trên cơ sở đó, có thể phân định rõ chất lượng tín nhiệm của từng loại hình tổ chức phát hành và các loại trái phiếu, theo chuẩn mực và tiêu chí đánh giá ở các mức đầu tư hay là đầu cơ để các NĐT trên thị trường tham khảo, quyết định đầu tư phù hợp với khẩu vị rủi ro của họ.

Để phát triển kênh dẫn vốn cho DN, TS. Cấn Văn Lực - Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV khuyến nghị, đối với các cơ quan quản lý, cần thống nhất thúc đẩy thị trường trái phiếu DN tốt hơn, lành mạnh hơn; thúc đẩy Quỹ bảo lãnh tín dụng SME và Quỹ phát triển SME. Hiện các Quỹ bảo lãnh tín dụng SME tại các địa phương hoạt động vẫn còn èo uột, chưa đáp ứng được yêu cầu bảo lãnh của các doanh nghiệp. Cơ quan quản lý cần thay đổi cách tiếp cận, quan điểm; kiến tạo cho thị trường tài chính phát triển, song vẫn kiểm soát được rủi ro, tận dụng được các cơ hội mới.

Về phía các DN, phải đa dạng hóa các kênh huy động vốn, chú trọng các kênh quỹ đầu tư, cho thuê tài chính. “DN khi huy động vốn nên gắn với mục đích cụ thể, phù hợp với mục tiêu bản thân DN và hiệu quả vốn phát hành. Đặc biệt, DN cần hướng tới minh bạch và chuyên nghiệp. Đồng thời quan tâm quản lý rủi ro tài chính bao gồm lãi suất, tỷ giá...”, TS. Lực lưu ý thêm.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan