Phân phối thuốc điều trị COVID, chuỗi nhà thuốc Long Châu giúp FPT Retail "hốt bạc"
Khi doanh thu từ việc phân phối thuốc điều trị Covid chưa thể định lượng thì cổ phiếu của FPT Retail - công ty mẹ của chuỗi Long Châu đã tăng 30% chỉ trong vòng 1 tuần.
Ngay sau khi Cục trưởng Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) ký quyết định ban hành danh mục 3 loại thuốc chứa hoạt chất molnupiravir điều trị Covid-19 sản xuất trong nước, được cấp giấy đăng ký lưu hành tại Việt Nam, Nhà thuốc Long Châu - công ty con của FPT Retail là đơn vị đầu tiên ký hợp đồng phân phối thuốc điều trị COVID-19.
Nhà thuốc Long Châu - công ty con của FPT Retail là đơn vị đầu tiên ký hợp đồng phân phối thuốc điều trị COVID-19.
Theo đó, Long Châu ký hợp đồng phân phối một triệu viên thuốc trị Covid -19 vào ngay chiều 17/2, chỉ ít giờ sau khi Bộ Y tế cấp phép 3 loại thuốc chứa hợp chất molnupiravir.
Và từ ngày 23/2/2022, ngay sau khi có hướng dẫn bán thuốc từ Bộ Y tế, hệ thống gần 500 nhà thuốc ở 63 tỉnh thành của FPT Long Châu đã chính thức mở bán thuốc trị covid, gồm 2 loại thuốc Molravir 400 của Boston Việt Nam và Molnupiravir Stella 400 của Stellapharm.
Đại diện chuỗi nhà thuốc cho biết, ngay sau hợp đồng mua 1 triệu viên đầu tiên, Long Châu đã tiếp tục đặt lô tiếp theo với 5 triệu viên thuốc trị covid. Được biết, hợp đồng giữa Chuỗi nhà thuốc FPT Long Châu với Công ty Dược phẩm Boston Việt Nam, và công ty GONSA - nhà phân phối sản phẩm Stella tại Việt Nam, được ký kết chỉ vài giờ sau khi Bộ y tế cấp phép lưu hành thuốc trị Covid sản xuất tại Việt Nam theo Quyết định số 69/QĐ-QLD. Tuy vậy, hiện tại hầu hết các chuỗi nhà thuốc lớn khác đều đã tham gia phân phối thuốc trị covid.
Với 5 triệu viên thuốc trị covid thì doanh thu mang lại chỉ khoảng hơn 60 tỷ đồng, khá nhỏ so với tổng doanh thu 4.000 tỷ đồng của Long Châu trong năm ngoái. Ghi nhận của phóng viên cũng cho thấy nhiều nhà thuốc trong hệ thống chuỗi Long Châu tại Hà Nội cũng nhanh chóng thông báo hết gói điều trị Covid loại C-loại chứa thuốc điều trị Covid Molravir 400 và Molnupiravir Stella 400 hoặc chỉ bán khi có xác nhận tình trạng dương tính của cơ quan y tế.
Mặc dù vậy, doanh thu từ phân phối thuốc điều trị Covid-19 có thể không lớn nhưng hiệu ứng tích cực đã tới công ty mẹ FPT Retail. Kết thúc phiên giao dịch ngày 25/2, cổ phiếu FRT của Công ty cổ phần Bán lẻ Kỹ thuật số FPT (FPT Retail) chốt tại 125.000 đồng, tăng 42,5% kể từ đầu tháng Hai, và tăng 30% kể từ thứ Sáu tuần trước sau thông tin chuỗi nhà thuốc Long Châu tham gia phân phối thuốc điều trị Covid-19.
Còn nếu tính trong vòng 1 năm thì giá cổ phiếu này thời điểm hiện tại đang cao hơn 4 lần giá ngày 24/2/2021 là 28.400 đồng/cổ phiếu. Đặc biệt, kể từ ngày 17/2/2022, FRT đang có chuỗi tăng giá 7 phiên liên tiếp. Hiện tại vốn hóa của FPT Retail đạt hơn 9.800 tỷ đồng, tương đương 430 triệu USD.
Đáng chú ý, đây là bước chuyển mình đáng kể của chuỗi Nhà thuốc Long Châu sau nhiều năm thua lỗ. Chuỗi nhà thuốc Long Châu hiện có gần 500 nhà thuốc tại 63 tỉnh, thành phố. So với đầu năm 2021, số nhà thuốc của thương hiệu này tăng lên hơn 200 cơ sở, trong đó một nửa được mở mới vào quý cuối cùng của năm 2021.
Long Châu hiện là chuỗi bán lẻ dược phẩm lớn thứ hai cả nước sau Pharmacity.
Như vậy, Long Châu hiện là chuỗi bán lẻ dược phẩm lớn thứ hai cả nước sau Pharmacity (620 cửa hàng). Cả hai chuỗi đều đang có kế hoạch mở rộng mạnh mẽ trong thời gian tới, tuy nhiên vấn đề gặp phải với ngành bán lẻ nói chung là việc thuê mặt bằng đang khó khăn do dịch bệnh đang diễn biến phức tạp.
Bà Nguyễn Bạch Điệp, Chủ Tịch FPT Retail kiêm Tổng Giám Đốc FPT Long Châu chia sẻ, mục tiêu của đơn vị là trở thành chuỗi nhà thuốc số 1 Việt Nam, dự kiến mở rộng thêm vài nghìn nhà thuốc trong 3 năm tới.
Theo Tổng Giám Đốc FPT Long Châu, lợi thế cạnh tranh của nhà thuốc Long Châu là nhờ ứng dụng công nghệ và kinh nghiệm trong quản trị chuỗi, kinh nghiệm tìm kiếm mặt bằng.
“Đội ngũ vận hành cũng là nhân sự từ FPT Shop, với lợi thế dễ dàng luân chuyển các thành viên “thiện chiến” từ chuỗi FPT Shop sang chuỗi Long Châu nhằm hình thành bộ khung nhân sự để đẩy mạnh hoạt động của chuỗi. Lợi thế của chuỗi còn là biết mình cần mua gì, mua tại đâu và cung cấp sản phẩm nào phù hợp", Bà Nguyễn Bạch Điệp nhấn mạnh.
Việc số hoá công tác bán lẻ cũng được FPT Long Châu triển khai nhanh chóng từ tháng 10/2021. Đơn vị ra mắt website và ứng dụng Nhà thuốc Long Châu, nhằm đáp ứng nhu cầu mua thuốc trực tuyến của người dân, giải quyết những hạn chế trong hoàn cảnh sống chung với Covid.
Phải nhắc nhớ bước ngoặt vào năm 2017 của FPT Retail khi tìm kiếm động lực tăng trưởng mới với mảng dược phẩm thông qua sáp nhập thêm chuỗi nhà thuốc kinh nghiệm gần 20 năm – Long Châu khi mảng bán lẻ điện thoại và laptop bước vào giai đoạn bão hoà.
Sau những năm thua lỗ, năm 2021, FPT Retail tuyên bố đã tìm được "công thức thành công" cho chuỗi dược phẩm và kể từ đó bắt đầu mở rộng nhanh chóng. Hết năm 2021, chuỗi này đóng góp 3.977 tỷ đồng doanh thu cho FPT Retai, tăng gấp 3 lần năm 2020, và sau nhiều năm thua lỗ, Long Châu đã chính thức ghi nhận lãi nhẹ vào năm 2021.
Hiện tại, Long Châu đóng góp 18% vào tổng doanh thu của FRT. FPT Retail xác định thị trường dược phẩm rất tiềm năng để phát triển mạnh mẽ trong dài hạn. Theo đó, FPT Retail kỳ vọng chiếm khoảng 30% thị phần kênh bán lẻ dược phẩm qua nhà thuốc trong hai năm tới. Dược phẩm mang về hơn 1.200 tỷ đồng doanh thu cho công ty, tương đương tỷ trọng 25%.
Năm 2022 này, FPT Retail đặt kế hoạch doanh thu thuần tăng 20%, lên 27.000 tỷ đồng, tức gần 74 tỷ mỗi ngày, tăng lợi nhuận trước thuế 30% so với năm 2021, lên 720 tỷ đồng.
Phân tích của các công ty chứng khoán đều cho rằng, chuỗi nhà thuốc Long Châu sẽ là động lực tăng trưởng mới và quan trọng cho FPT Retail không chỉ trong năm 2022 mà còn trong trung và dài hạn với doanh thu ổn định khi người dân ngày càng chú ý chăm sóc sức khoẻ.
Dược phẩm là mặt hàng có nhu cầu cao trong giai đoạn bùng phát dịch Covid, nhưng việc mở rộng quy mô chuỗi nhà thuốc trong thời gian đó là thách thức không nhỏ với các doanh nghiệp. Cùng với đó, thị trường thuốc Việt Nam khoảng 70% nằm trong tay kênh phân phối bệnh viện (ETC), 30% thuộc về các điểm bán lẻ (OTC). Hiện nay, các chuỗi nhà thuốc có thương hiệu phải cạnh tranh với khoảng 50.000 cửa hàng bán lẻ thuốc trên thị trường tương đối khốc liệt.
Ngay như CTCP Đầu tư Thế giới Di động (MWG) đầu tư vào nhà thuốc An Khang từ năm 2017 sau đó phải gần như dừng lại để tập trung cho Bách Hoá Xanh. Hay Vingroup khi còn sở hữu VinCommerce cũng từng triển khai dự án bán lẻ thuốc VinFa nhưng sau đó sớm đóng cửa.