Một doanh nghiệp bất động sản KCN là chủ nợ của loạt công ty chứng khoán: VCBS vay hơn 700 tỷ, "bơm" tối đa 2.500 tỷ đồng cho CTS
Tại thời điểm cuối quý 3/2023, doanh nghiệp đang cho hai công ty chứng khoán vay nợ. Ngoài ra, doanh nghiệp này tiếp tục cấp hạn mức cho vay tối đa 2.500 tỷ đồng đối với Vietinbank Securities.
Trong thông báo mới nhất, HĐQT Công ty cổ phần Chứng khoán Ngân hàng Công thương (Vietinbank Securities, mã CTS) đã thông qua nghị quyết về việc phê duyệt việc thực hiện vay vốn tại Công ty Cổ phần Đầu tư Sài Gòn VRG (mã SIP).
CTS dự kiến sẽ vay vốn ngắn hạn tại SIP với hạn mức tối đa 2.500 tỷ đồng (bao gồm các khoản vay đang còn dư nợ). HĐQT giao Tổng Giám đốc/Phó Tổng Giám đốc phụ trách Phòng Kinh doanh vốn thực hiện đàm phán, quyết định các phương án kinh doanh của Công ty; các phương án vay vốn từng lần; các phương án trả nợ một phần hoặc toàn bộ nghĩa vụ khoản vay; ký kết hợp đồng, sử dụng tài sản là trái phiếu doanh nghiệp thuộc danh mục tự doanh để đảm bảo nghĩa vụ thực hiện hợp đồng; đàm phán, quyết định lãi suất vay; phê duyệt phương án sử dụng vốn đảm bảo hoạt động kinh doanh có hiệu quả.
Trước đó hơn 1 tháng, vào tháng 11/2023, CTS cũng vừa thông qua Nghị quyết tương tự về việc vay vốn tại SIP với hạn mức tối đa 2.000 tỷ đồng (bao gồm các khoản vay đang còn dư nợ).
Về SIP, doanh nghiệp được thành lập năm 2007 bởi nhóm cổ đông sáng lập gồm Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (mã GVR), CTCP Cao su Phước Hoà (mã PHR), CTCP Đầu tư Xây dựng Cao su và các cá nhân khác. Hồi tháng 8/2023, SIP vừa chính thức chuyển từ sàn UPCoM lên niêm yết trên HoSE, hiện vốn điều lệ công ty đạt hơn 1.818 tỷ đồng.
Cơ cấu cổ đông lớn của SIP gồm CTCP Đầu tư và Phát triển đô thị An Lộc nắm 22,01% vốn; ông Trần Mạnh Hùng, Chủ tịch HĐQT sở hữu 11,54% vốn điều lệ; CTCP Khu công nghiệp Nam Tân Uyên (mã NTC) nắm 10,18% vốn, ông Lư Thanh Nhã, Tổng giám đốc công ty sở hữu 8,1% vốn điều lệ và bà Trần Ngọc Xuân Trang nắm 5,57% vốn.
Tại thời điểm 30/9/2023, SIP có tổng tài sản 20.333 tỷ đồng, tăng 1.330 tỷ đồng so với con số đầu năm. Tài sản sản tiền và các khoản tương đương tiền ghi nhận hơn 401 tỷ đồng, tiền gửi có kỳ hạn gần 3.066 tỷ đồng.
Nợ phải trả của công ty tương đối lớn với 16.460 tỷ đồng, tuy nhiên cơ cấu nợ phải trả của SIP khác nhiều so với doanh nghiệp khác khi vay nợ thuê tài chính ngắn hạn đạt gần 1.159 tỷ đồng còn lại đều là phần doanh thu chưa thực hiện gồm 61 tỷ đồng doanh thu chưa thực hiện ngắn hạn và 11.233 tỷ đồng doanh thu chưa thực hiện dài hạn cộng thêm người mua trả tiền trước hơn 66 tỷ đồng.
Như vậy, tổng cộng SIP có gần 11.400 tỷ đồng doanh thu chưa thực hiện và người mua trả tiền trước. Đây chủ yếu doanh thu nhận trước của khách hàng thuê đất khu công nghiệp và là "của để dành" để phân bổ dần trong những năm tài chính sắp tới của công ty.
Đặc biệt, SIP còn ghi nhận khoản phải thu từ việc cho vay ngắn hạn gần 715 tỷ đồng tại thời điểm cuối quý 3/2023. Trong đó, công ty cho vay Chứng khoán Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VCBS) với 712 tỷ đồng và cho CTCP Chứng khoán Cao su vay gần 3 tỷ đồng.
Tại thời điểm cuối quý 3/2023, tổng tài sản của CTS đạt hơn 8.195 tỷ đồng, tăng hơn 62% so với đầu kỳ chủ yếu đến từ các tài sản tài chính. Nợ phải trả đạt 6.189 tỷ đồng trong đó vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn là gần 5.590 tỷ đồng, tăng hơn 2.800 tỷ tương ứng 82% so với đầu năm.