Đơn hàng dồn dập, doanh nghiệp sản xuất vẫn lo
Sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, nhiều doanh nghiệp đã tăng tốc sản xuất những lô hàng đầu năm mới phục vụ nhu cầu thị trường nội địa và xuất khẩu, một số đã kín đơn hàng đến hết năm.
Trở lại làm việc từ ngày 8/2, hơn 1.300 công nhân của Công ty CP May Sài Gòn 3 đang ráo riết chuẩn bị các đơn hàng xuất khẩu sang thị trường nước ngoài. Trước Tết Nguyên đán, công ty này đã nhận đơn hàng trị giá 7 triệu USD xuất sang EU, Mỹ và nhiều đơn hàng ở thị trường khác.
Theo ông Phan Xuân Hồng - Chủ tịch Hội Dệt may Thêu đan TP.HCM - nhiều doanh nghiệp dệt may đã có đơn hàng đến giữa năm. Khả năng tăng trưởng dệt may năm 2022 sẽ ở mức trên 10% so với năm 2021, đạt mức từ 42-43 tỷ USD.
Thực tế, bước sang năm 2022, tình hình hoạt động của các doanh nghiệp đã có nhiều khởi sắc. Theo Tổng cục Thống kê, tháng 1/2022, cả nước có 13.000 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký hơn 192.300 tỷ đồng; tăng 15,9% về số doanh nghiệp, tăng 22,6% về vốn đăng ký so với tháng trước. So với cùng kỳ năm trước, tăng 28,9% về số doanh nghiệp, tăng 24% về vốn đăng ký.
Bên cạnh đó, còn có 19.100 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 352,8% so với tháng 12/2021 và tăng 194% so với cùng kỳ.
Kín đơn hàng đến hết năm
Từ mùng 5 Tết, hơn 700 công nhân của Công ty Phát triển Kinh tế (Cofidec) đã hoạt động trở lại sớm hơn dự kiến. Ông Đoàn Văn Nam - Phó giám đốc công ty này - cho biết dù số lượng công nhân trở lại làm việc chưa đủ, do đơn hàng xuất khẩu gấp nên doanh nghiệp đã hoạt động sớm.
"Hiện số đơn hàng xuất khẩu của doanh nghiệp đã ký đủ đến hết năm nay. Năm 2021, dù ảnh hưởng dịch Covid-19 nhưng doanh nghiệp đã xuất khẩu khoảng 7.000 tấn sản phẩm đông lạnh gồm chả lụa, giò, các sản phẩm cà tím… qua thị trường Mỹ, Nhật, Australia", ông nói.
Ông Nam cho biết năm 2022, công ty phấn đấu đưa doanh số tăng trưởng khoảng 10%, trong đó trên 80% xuất khẩu; đồng thời mở rộng quy mô nhà xưởng lẫn ngành hàng nhằm đa dạng sản phẩm.
Tương tự, với doanh nghiệp xuất khẩu nông sản cũng đón nhận nhiều dấu hiệu tích cực trong đầu năm mới. Chỉ trong ngày mùng 7 Tết khi hoạt động trở lại, Phúc Sinh Group đã đồng loạt xuất khẩu 20 container hàng nông sản như cà phê, tiêu, hạt điều, gia vị đi các thị trường gồm Mỹ, Tây Ban Nha, Đức, Hà Lan, Dubai, Ai Cập.
Ông Phan Minh Thông - Chủ tịch HĐQT Phúc Sinh Group - ước tính lượng hàng xuất khẩu của các công ty thuộc tập đoàn trong quý I tăng 30% so với cùng kỳ năm 2021. Với diễn biến này, doanh số cả năm có thể tăng trưởng từ 10-15%.
Ông Thân Đức Việt - Tổng giám đốc Công ty May 10 - cho biết thông thường chỉ nhận đơn hàng trước 3 tháng, nhưng năm nay đã kín đơn đến hết quý II. Riêng với những sản phẩm chủ lực là veston và sơ mi, doanh nghiệp đã có đơn hàng đến hết quý III, thậm chí một số khách hàng đặt trước cho cả năm.
Ngoài những khách hàng cũ, năm nay May 10 có thêm khách hàng mới từ Mỹ, châu Âu, Canada, Đài Loan, Hàn Quốc... "Tình hình đơn hàng cho thị trường xuất khẩu đã khôi phục như trước dịch, thậm chí còn tăng hơn", ông đưa ra nhận định chung.
Với ngành da giày, chỉ trong tháng đầu tiên của năm nay, kim ngạch xuất khẩu đã đạt 390,3 triệu USD với mặt hàng túi xách, ô dù và 1.937 tỷ USD cho mặt hàng giày, dép. Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam (Lefaso) cho biết đơn hàng xuất khẩu ít nhất đã có đến hết quý II, đặc biệt nhịp độ sản xuất của các doanh nghiệp da giày ở khu vực phía Nam khá tốt.
Hiện, hầu hết doanh nghiệp công nghiệp tại TP.HCM đã khôi phục hoạt động với công suất trên 95%. Trong đó, các doanh nghiệp trong khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động với 99,7% công suất, còn tất cả doanh nghiệp trong khu công nghệ cao đạt công suất 100%.
"Sở Công Thương đã tiếp và làm việc với Hội Cơ khí Điện TP, riêng Công ty Tân Thanh hiện nay đơn hàng đã có đến hết quý I/2022 và đầu quý II/2022 chưa giao kịp, kết quả quay lại sản xuất rất tích cực. Ngành gỗ được đặt hàng đến tháng 6 năm nay. Những ngành khác đều có tín hiệu rất tích cực", ông Bùi Tá Hoàng Vũ - Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM chia sẻ.
Lo giá nguyên liệu, phí đầu vào tăng mạnh
Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp cho biết họ còn nhiều nỗi lo khi cước vận chuyển liên tục tăng cao, giá nguyên vật liệu, phí đầu vào leo thang theo giá xăng dầu.
Ông Đoàn Văn Nam cho biết chi phí logistics và nguyên liệu đầu vào tăng cao đang là thách thức lớn nhất của hầu hết doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu hiện nay. "Một số nguyên liệu nhập khẩu như bột lòng trắng trứng gà, dầu cọ... tăng rất mạnh làm ảnh hưởng đến chi phí vận hành của doanh nghiệp", ông dẫn chứng.
Hiện, lãnh đạo Cofidec cho biết công ty cũng đưa ra nhiều giải pháp cân đối như thương lượng mỗi bên chịu một phần chi phí để vượt qua giai đoạn này. "Nếu mức tăng quá mạnh, công ty sẽ buộc phải tăng giá bán", ông nói thêm.
Ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (Vasep), cho biết chỉ tiêu xuất khẩu thủy sản của cả nước trong năm 2022 là 9 tỷ USD.
Với khả năng phục hồi và tăng trưởng của các doanh nghiệp như hiện nay, ông Hòe hi vọng ngành thủy sản sẽ đạt được con số này vào cuối năm.
Theo ông Hòe, các doanh nghiệp phải chuẩn bị tinh thần, nhất là làm sao tổ chức chuỗi liên kết từ khâu nuôi vì hiện nay chủ yếu dựa vào nguyên liệu từ nuôi trồng. Điều quan trọng trong năm 2022 là ngoài việc làm thị trường, các doanh nghiệp còn củng cố khâu nguyên liệu là rất quan trọng vì khả năng cạnh tranh tốt là giá nguyên liệu từ vùng nuôi.