A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Thành phố thông minh bên bờ sông Hàn

Quá trình xây dựng thương hiệu thành phố thông minh ở Đà Nẵng, đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận. Tháng 8/2019, Đà Nẵng vinh dự nhận danh hiệu “Thành phố thông minh 2019”, trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh Thành phố thông minh ASOCIO 2019.

thanh pho thong minh ben bo song han

Nền tảng công nghệ thông tin

Theo tính toán của các chuyên gia, chỉ trong vòng vài thập niên nữa, phần đông loài người sẽ sinh sống trong các đô thị. Đây có thể là một triển vọng rất đáng phấn khởi, nhưng cũng đồng thời đặt ra những thách thức cho loài người, khi tốc độ đô thị hóa ngày càng nhanh, đi kèm là những hệ lụy... Trong bối cảnh đó, xu thế thành phố thông minh (Smart City), đang được xem là một trong những phương án “cứu cánh” ở nhiều quốc gia...

Tại Việt Nam thời gian gần đây, cụm từ “đô thị thông minh” đã trở nên khá phổ biến. Chính quyền và người dân thành phố bên bờ sông Hàn đang tích cực triển khai các bước, để sớm trở thành một trong những thành phố thông minh đầu tiên của cả nước. Viễn cảnh của một ngày không xa, các công nghệ tiên tiến nhất hiện nay như, IoT, AI, Big Data sẽ được ứng dụng trong lĩnh vực giao thông, an ninh trật tự, du lịch hay tài nguyên môi trường... ở thành phố “thủ phủ” của khu vực miền Trung - Tây Nguyên. 

Trong định hướng phát triển của mình, việc xây dựng thành phố thông minh được Đà Nẵng đặt ra từ rất sớm. Cụ thể, từ năm 2012 Đà Nẵng đã phối hợp với tập đoàn công nghệ thông tin (CNTT) hàng đầu của Mỹ là IBM khảo sát, xây dựng đề án “Xây dựng thành phố thông minh”. Sau đó, thành phố đã ban hành kiến trúc tổng thể thành phố thông minh và phê duyệt đề án xây dựng thành phố thông minh tại Đà Nẵng, định hướng đến năm 2030. Trong đó, phấn đấu đến năm 2025, chuyển quản lý đô thị từ truyền thống thành quản lý trên dữ liệu số. Đến năm 2030, sẽ thông minh hóa các ứng dụng cộng đồng với các công nghệ chuyên sâu.

Ông Huỳnh Đức Thơ - Chủ tịch UBND Đà Nẵng chia sẻ, việc xây dựng thành phố thông minh không chỉ chuyển quản lý, điều hành từ truyền thống sang dựa trên dữ liệu và công nghệ; mà còn là một trong các dự án động lực trong phát triển kinh tế - xã hội trong tương lai. Đến nay, Đà Nẵng đang triển khai hàng chục dự án với nguồn kinh phí hơn 2.200 tỷ đồng để triển khai các dự án về thành phố thông minh. Đồng thời, ký kết hợp tác với các đối tác lớn như, VNPT, FPT, Viettel, VietinBank, SeABank hay BRG...

CNTT được coi là nền tảng, chìa khóa then chốt để xây dựng lên những thành phố thông minh. Xét về tiêu chí này, Đà Nẵng đang có nhiều tiềm năng để trở thành thành phố thông minh đầu tiên trong cả nước. Bởi, chính quyền địa phương luôn có những chính sách cởi mở, tạo điều kiện thu hút các nhà đầu tư CNTT, nguồn nhân lực CNTT cũng được đào tạo bài bản. Đặc biệt, lợi thế của Đà Nẵng là trong suốt 10 năm gần đây, thành phố luôn đứng đầu cả nước về chỉ số Vietnam ICT Index. Một thành quả mà không dễ gì các địa phương khác có được. 

Lấy người dân làm trung tâm

Những năm gần đây, Đà Nẵng còn đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong công tác hoạch định, quản lý. CNTT được sử dụng như một công cụ để giải quyết những thách thức trong quản lý đô thị hiện đại dựa trên dữ liệu và thông tin được thu thập, lưu trữ và xử lý. Trong định hướng phát triển của mình, Đà Nẵng tập trung vào 3 trụ cột kinh tế chính: Công nghệ cao, du lịch; dịch vụ chất lượng cao và kinh tế biển. Định hướng đến 2045 Đà Nẵng là một đô thị lớn, thành phố thông minh và sinh thái, thành phố biển đáng sống đẳng cấp trong khu vực châu Á. Trở thành một thương hiệu quốc tế về điểm đến, điểm sống và làm việc...

Quá trình xây dựng thương hiệu thành phố thông minh ở Đà Nẵng, đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận. Tháng 8/2019, Đà Nẵng vinh dự nhận danh hiệu “Thành phố thông minh 2019”, trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh Thành phố thông minh ASOCIO 2019, được tổ chức tại Bangkok (Thái Lan). Giải thưởng ASOCIO Smart City Award 2019 vinh danh, ghi nhận những nỗ lực mà Đà Nẵng đã thực hiện, để sớm trở thành một trong những thành phố đáng sống, thông minh đầu tiên tại Việt Nam.

Phương châm xây dựng thành phố thông minh của Đà Nẵng là “đa đối tác - một nền tảng - một hạ tầng - một chính sách - đa ứng dụng”. Ông Huỳnh Đức Thơ cũng cho rằng, với nhận thức thế giới đang thay đổi rất nhanh, công nghệ mới được cập nhật liên tục, nếu không có một tầm nhìn chiến lược, nghiên cứu kỹ lưỡng để xây dựng thành phố thông minh theo một lộ trình với những phân kỳ phù hợp, bắt kịp xu thế thì không tránh khỏi sự tụt hậu, lãng phí nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng công nghệ... Việc lựa chọn các giải pháp mới, ứng dụng các nền tảng công nghệ thông minh có thể giúp Đà Nẵng song song thực hiện mục tiêu, đẩy mạnh chính quyền điện tử và đẩy mạnh xây dựng thành phố thông minh. Và thành quả cuối cùng là mang lại lợi ích cho người dân. 

Đơn cử, tại Hòa Vang là huyện duy nhất của thành phố có nhiều xã vùng núi, đồng bào dân tộc thiểu số. Việc ứng dụng CNTT trong xây dựng chính quyền điện tử nơi đây, đã mang lại một diện mạo mới, nhất là trong cải cách thủ tục hành chính. Tại các xã đều đã xây dựng chính quyền điện tử, với mạng Wifi phủ sóng. Khoảng cách về địa lý được rút ngắn, khi tất cả văn bản đi, đến đều qua hệ thống thư điện tử, tiết kiệm thời gian lẫn chi phí. Ý kiến phản ánh của người dân, doanh nghiệp được giải đáp nhanh và thỏa đáng.

Ông Nguyễn Quang Thanh - Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Đà Nẵng cho biết, thành phố luôn lấy công dân, doanh nghiệp và du khách làm trung tâm; đồng thời, hỗ trợ họ tham gia vào việc xây dựng thành phố thông minh. Chính quyền xây dựng và duy trì tốt các kênh truyền thông, tương tác giữa người dân với cơ quan chức năng để người dân trực tiếp tham gia hiến kế xây dựng thành phố thông minh. 

Theo nhiều chuyên gia, tại Việt Nam cũng như ở các quốc gia khác có thể lựa chọn nhiều hướng tiếp cận khác nhau cho thành phố thông minh. Nhưng cốt lõi vẫn phải xoay quanh các mục tiêu chính. Đó là: Tăng trưởng kinh tế cao và bền vững; Môi trường sống của người dân tốt hơn; Người dân có thể tham gia vào việc quản lý nhà nước và quản lý cuộc sống của chính mình. Và người dân được phục vụ tốt hơn...

Bởi vậy, ông Đào Hà Trung - Chủ tịch Hội Công nghệ cao TP. Hồ Chí Minh, Chủ tịch Tập đoàn TE-FOOD International đã chia sẻ rằng, Đà Nẵng hoàn toàn có thể thực hiện được các mục tiêu đã đề ra trong việc xây dựng thành phố thông minh. Thành phố không nên chờ đợi một giải pháp hoàn hảo mà triển khai dần dần từng lĩnh vực, phù hợp với nhu cầu cụ thể của người dân và sự phát triển của khoa học kỹ thuật. Đặc biệt, dù tiếp cận ở góc độ nào thì chính quyền địa phương cũng luôn phải đặt con người là trung tâm của tất cả các giải pháp.

Cùng ấn tượng với những nỗ lực của Đà Nẵng trong việc xây dựng thành phố thông minh, ông David Wong - Chủ tịch Tổ chức Công nghiệp Điện toán châu Á - châu Đại Dương có đề xuất cụ thể, chính quyền phải làm sao tuyên truyền hoặc có những chính sách để người dân hiểu rõ được, vì sao phải lắp đặt camera giám sát để nhận diện xe cộ, khuôn mặt hay việc cung cấp thông tin cá nhân qua internet vào cơ sở dữ liệu chung. Bởi, chỉ có những cư dân thông minh, quản trị thông minh mới có thể làm nên một thành phố thông minh.

 Có thể khẳng định, với đề án xây dựng thành phố thông minh, chính là cơ hội để Đà Nẵng phát huy tối đa các nguồn lực, giải quyết thách thức trong quá trình phát triển của mình, cũng đồng thời tạo ra động lực mới để phát triển kinh tế - xã hội trong tương lai. Góp phần để Đà Nẵng trở thành thành phố hiện đại, năng động, sáng tạo, thông minh; có vị trí quan trọng trong chiến lược phát triển của khu vực duyên hải miền Trung - Tây Nguyên cũng như cả nước. 

Nghi Lộc

 

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan