Tăng cường giám sát thị trường bất động sản trong nước
Trước làn sóng bất động sản doanh nghiệp ngoại đổ xô vào Việt Nam, UBND TPHCM đã giao Sở Xây dựng đánh giá thị trường bất động sản thành phố trong thời gian qua; làm rõ các xu hướng đầu tư, các bất cập trong quản lý để tham mưu biện pháp quản lý, giám sát phù hợp.
Trong khi đó, Sở Tài nguyên và Môi trường được giao quản lý chặt chẽ việc quản lý, sử dụng đất đai trên địa bàn TP, nhất là việc chuyển mục đích sử dụng đất, việc chuyển nhượng dự án, chuyển nhượng tài sản dự án.
Theo cảnh báo của nhiều chuyên gia, doanh nghiệp trong nước khi gặp khó khăn có nguy cơ bị thâu tóm bởi các doanh nghiệp ngoại này.
Theo nhiều chuyên gia kinh tế, vốn FDI ở TPHCM đổ nhiều vào lĩnh vực bất động sản là quy luật tất yếu của thị trường. Vì hiện nay, ở đây không có nhiều lợi thế cho sản xuất, mặt bằng cho sản xuất rất đắt đỏ. Trong khi đó, các khu công nghiệp ở thành phố diện tích đã lấp gần đầy. Diện tích còn lại thành phố ưu tiên cho phát triển thương mại, dịch vụ và công nghiệp công nghệ cao. Cho nên, nếu doanh nghiệp muốn có mặt bằng rộng rãi, giá hợp lý để sản xuất hiệu quả thì buộc phải tìm đến các tỉnh lân cận.
Từ thực tế đó, nhiều nhà đầu tư nước ngoài chọn đầu tư vào lĩnh vực bất động sản như: tòa nhà cao ốc, trung tâm thương mại, văn phòng cho thuê, trung tâm thương mại… là hợp lý.
Nguồn vốn đầu tư đổ vào các dự án hạ tầng đô thị, nhà ở, các loại bất động sản sẽ còn tiếp tục tăng cao, đây là sự phát triển bình thường, lành mạnh của nền kinh tế. Điều cần lưu ý là cơ quan chức năng đừng để các dự án nằm trên giấy và cũng đừng để tình trạng đầu cơ bất động sản xảy ra.TS Huỳnh Thế Du, Đại học Fullright phân tích: Theo kết quả điều tra dân số mới đây, tỷ lệ dân số ở đô thị của Việt Nam chưa đến 35%. Tỷ lệ này còn thấp nên thời gian tới xu hướng đô thị hóa sẽ tăng rất cao, dân số ở đô thị có thể lên hơn 50% cho nên nhu cầu về hạ tầng đô thị và nhà ở sẽ còn sẽ rất lớn.
Nhiều chuyên gia kinh tế khác cũng cho rằng, TPHCM có nhu cầu nguồn vốn đầu tư rất lớn cho nên vốn đầu tư đổ vào bất động sản là tốt, miễn là nguồn vốn đó minh bạch. Vì hiện nay, lĩnh vực bất động sản liên quan đến 95 ngành nghề khác, nếu thị trường này phát triển cũng sẽ tác động tích cực đến những ngành nghề như: kiến trúc, xây dựng, vật liệu xây dựng vv … Điều quan trọng hiện nay là thành phố có chính sách thu hút đầu tư như thế nào hiệu quả, đảm bảo phát triển đô thị hài hòa và bền vững.