A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nhà ở xã hội tập trung

Cử tri cho rằng nên chấp thuận theo hướng bố trí nhà ở xã hội tập trung để thay thế việc thực hiện bố trí quỹ đất 20% từ các dự án nhà ở thương mại, khu đô thị có quy mô sử dụng đất từ 2ha trở lên.

Quy định này đã góp phần tăng nguồn cung quỹ đất 20% dành để phát triển nhà ở xã hội, gián tiếp tăng nguồn cung nhà ở xã hội và góp phần giảm giá bán nhà ở xã hội, tạo điều kiện cho các đối tượng là người thu nhập thấp ở khu vực đô thị, công nhân khu công nghiệp có nhiều cơ hội tiếp cận và mua, thuê, thuê mua nhà ở, ổn định cuộc sống.

Theo Bộ Xây dựng, nhằm tháo gỡ một số vướng mắc, bất cập trong thực tế về quy hoạch khi bố trí quỹ đất 20% để phát triển nhà ở xã hội tại các dự án nhà ở thương mại, khu đô thị, tại khoản 4 Điều 1 Nghị định số 49/2021/NĐ-CP ngày 01/4/2021 của Chính phủ có quy định: đối với trường hợp thuộc diện phải bố trí quỹ đất 20% để xây dựng nhà ở xã hội theo quy định nhưng do có sự thay đổi quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết của địa phương dẫn đến việc bố trí quỹ đất 20% không còn phù hợp thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, chấp thuận.

Tuy nhiên, bên cạnh những tồn tại, vướng mắc đã được tháo gỡ tại Nghị định số 49/2021/NĐ-CP ngày 01/4/2021 của Chính phủ thì vẫn còn một số nội dung tồn tại, vướng mắc cần được sửa đổi trong Luật Nhà ở năm 2014,  trong đó có vướng mắc, tồn tại như kiến nghị của cử tri TP. Hà Nội.

Bộ Xây dựng cũng cho biết, hiện Bộ đang chủ trì nghiên cứu, sửa đổi Luật Nhà ở năm 2014, trong đó có nội dung về quỹ đất phát triển nhà ở xã hội nhằm xử lý triệt để những bất cập liên quan đến quỹ đất 20% để phát triển nhà ở xã hội trong các dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị.

Dự kiến trình Quốc hội khóa XV cho ý kiến vào Kỳ họp thứ 5 (tháng 5/2023) và thông qua tại Kỳ họp thứ 6 (tháng 10/2023). Bộ Xây dựng xin ghi nhận ý kiến của cử tri Thành phố Hà Nội để nghiên cứu, trình dự thảo Luật này.

Trước đó, quy định dành quỹ đất 20% xây nhà ở xã hội trong dự án thương mại đang trở thành "vòng kim cô" của doanh nghiệp địa ốc.

Ông Nguyễn Lê Mỹ Hưng, Phó giám đốc Khối Điều hành dự án TP. Hồ Chí Minh, Tập đoàn Novaland cho rằng, việc bắt buộc dành 20% tổng diện tích đất ở để xây dựng nhà ở xã hội tại một dự án sẽ khiến kiến trúc, cảnh quan, không gian chung của cả dự án không đồng bộ, thiếu mỹ quan, giảm hiệu quả đầu tư và khó khăn trong việc cung cấp các dịch vụ, tiện ích...

Ông Trần Quốc Dũng, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn HT cũng cho rằng, thực tế ở nhiều dự án, chủ đầu tư đã phải bồi thường giá cao, trong khi tiền đất được khấu trừ cho quỹ đất nhà ở xã hội theo đơn giá Nhà nước với chênh lệch rất lớn và doanh nghiệp phải gánh. “Điều này chắc chắn sẽ đội giá nhà thương mại lên cao”, ông Dũng nói.

Trong văn bản gửi tới Bộ Xây dựng góp ý một số quy định của Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. Hồ Chí Minh (HoREA) chỉ ra những điểm bất hợp lý của quy định trên.

HoREA cũng cho rằng nếu cho phép doanh nghiệp "chuyển giao quỹ nhà ở tương đương giá trị quỹ đất 20%", Nhà nước sẽ có nhiều nhà ở xã hội hơn ở vị trí khác với mức giá vừa túi tiền cho người dân có thu nhập thấp.


Tác giả: Theo Diệu Hoa/diendandoanhnghiep.vn
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết