A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Mô hình tích tụ ruộng đất giúp giảm lãng phí đất nông nghiệp

Những năm trước đây, tình trạng lãng phí đất nông nghiệp liên tục diễn ra. Tuy nhiên, đến nay, nhiều nơi không còn diện tích ruộng bỏ hoang.

Mô hình tích tụ ruộng đất giúp giảm lãng phí đất nông nghiệp

Tình trạng lãng phí đất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Hải Dương đã giảm đi rất nhiều. Ảnh: Mai Hương

Đất nông nghiệp bỏ hoang giảm rất nhiều

Huyện Kim Thành được đánh giá là một trong những địa phương mà tình trạng ruộng bỏ hoang được giảm thiểu đáng kể. Trao đổi với Lao Động, ông Nguyễn Văn Nghiệp - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Kim Thành - cho biết, tình trạng đất bỏ hoang trên địa bàn huyện gần như không còn.

"Năm 2021 và năm 2022, diện tích ruộng đất nông nghiệp bỏ hoang tại huyện Kim Thành rơi vào khoảng 15-20 ha. Tuy nhiên, từ năm 2023 - 2024, diện tích đất nông nghiệp bỏ hoang chỉ còn 1-2 ha do liên quan đến một số dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư nhưng chưa triển khai" - ông Nghiệp cho hay.

Ông Nguyễn Văn Nghiệp cho biết thêm, hiện nay, 36 tổ chức, cá nhân tại một số địa phương trên địa bàn huyện đã thực hiện tốt mô hình tích tụ ruộng đất. Có hộ dân tích tụ được ruộng đất hơn 30 ha. Các xã có nhiều hộ tích tụ ruộng đất thực hiện sản xuất lúa tập trung như Đại Đức, Ngũ Phúc, Kim Anh, Cổ Dũng...

d

Số lượng ruộng bỏ hoang tại Hải Dương đã giảm mạnh so với những năm trước kia. Ảnh: Mai Hương

Tương tự, tại huyện Tứ Kỳ, tình trạng lãng phí đất nông nghiệp cũng giảm rất nhiều. Theo ông Nguyễn Anh Tuấn - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Tứ Kỳ, giá lương thực trên thị trường tăng cao nên thu nhập của bà con cũng từ đó nâng cao. Vì thế, bà con nông dân mặn mà với việc sản xuất hoa màu, trồng lúa. Tình trạng lãng phí đất nông nghiệp đã giảm đi rất nhiều so với những năm trước.

Hiện toàn huyện Tứ Kỳ có 15/23 xã, thị trấn triển khai, thực hiện được mô hình tích tụ ruộng đất quy mô từ 3 ha trở lên; thu hút 1 tổ chức và 56 cá nhân tham gia, tổng diện tích là 485,3 ha, giảm đáng kể diện tích bỏ ruộng không gieo cấy, mang lại hiệu quả cho người sản xuất và chống lãng phí tài nguyên đất.

Khuyến khích nông dân quay trở lại sản xuất

Theo đại diện Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ Thực vật tỉnh Hải Dương, đến nay, số lượng ruộng bỏ hoang đã giảm mạnh so với những năm trước kia. Từ năm 2020-2024, tổng diện tích gieo cấy lúa toàn tỉnh bình quân 1 vụ 53.650 ha.

Trong đó, diện tích bỏ ruộng không gieo cấy lúa dao động từ 251-358 ha/vụ, chiếm 0,35-0,42% diện tích gieo cấy 1 vụ. Các diện tích bỏ ruộng chủ yếu là diện tích bỏ vụ không gieo cấy, không có diện tích bỏ hoàn toàn không gieo cấy lúa.

Nhận diện những nguyên nhân dẫn đến tình trạng bỏ ruộng hoang hóa, ảnh hưởng đến gây lãng phí tài nguyên đất và ảnh hưởng không nhỏ đến kế hoạch phát triển chung của ngành Nông nghiệp, UBND tỉnh Hải Dương đã ban hành nhiều cơ chế chính sách hỗ trợ, tập trung chỉ đạo ngành chức năng, các địa phương thực hiện các giải pháp để động viên, khuyến khích nông dân quay trở lại sản xuất nhằm giảm tình trạng bỏ ruộng.

Tỉnh Hải Dương thực hiện các giải pháp để động viên, khuyến khích nông dân quay trở lại sản xuất nhằm giảm tình trạng bỏ ruộng. Ảnh: Mai Hương

Tỉnh Hải Dương thực hiện các giải pháp để động viên, khuyến khích nông dân quay trở lại sản xuất nhằm giảm tình trạng bỏ ruộng. Ảnh: Mai Hương

Một số chính sách đã được ban hành như Đề án "Phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2021-2025, định hướng 2030".

Theo nội dung đề án, trong lĩnh vực trồng trọt, khuyến khích người dân tích tụ ruộng đất, tỉnh có chính sách như hỗ trợ thuê đất để sản xuất hàng hóa quy mô lớn từ 5ha trở lên, thời hạn thuê tối thiểu 5 năm, định mức hỗ trợ 5 triệu đồng/ha/năm trong 2 năm đầu, tính từ khi thuê đất; hỗ trợ mở rộng sản xuất cây vụ đông, định mức hỗ trợ 4 triệu đồng/ha cây vụ đông tăng thêm so với năm trước; hỗ trợ sản xuất an toàn,…

Hàng năm, tỉnh Hải Dương ban hành Kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa. Đây là một trong những giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu, nhất là vùng có điều kiện khó khăn sản xuất lúa, hạn chế những tác động tiêu cực của điều kiện thời tiết bất thuận, chủ động trong quá trình tổ chức sản xuất.

Những mô hình chuyển đổi này có ưu điểm khắc phục tình trạng thiếu nước, cũng như bị ngập úng kéo dài thường xuyên phải cấy muộn bấp bênh trong sản xuất lúa, hạn chế tình trạng người dân bỏ ruộng không muốn canh tác.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết