Lãi suất chạm đáy, nhà đầu tư bất động sản xuống tiền chờ đợi cơn “sốt đất” tiếp theo?
Thời điểm hiện tại cho đến nửa đầu năm 2024 có thể xem như bước khởi đầu của một chu kỳ phục hồi và tăng trưởng tiếp theo của thị trường bất động sản.
Hiện tại, lãi suất gửi tiết kiệm tại các ngân hàng đã xuống mức rất thấp. Cụ thể, ở nhóm ngân hàng quốc doanh, lãi suất tiền gửi thấp nhất kỳ hạn từ 12 tháng, ở ngân hàng Vietcombank chỉ 4,8%/năm.
Các ngân hàng lớn khác như BIDV, VietinBank, Agribank cũng chỉ áp dụng mức lãi suất 5,3%/năm cho khách hàng gửi tiết kiệm tại quầy kỳ hạn từ 12 tháng trở lên. Cá biệt tại ACB, ABBank lãi suất tiết kiệm chỉ còn 4,7%/năm kỳ hạn 12 tháng.
Bên cạnh đó, lãi suất lãi suất ưu đãi cho vay mua nhà cũng chỉ dao động ở mức quanh 10%/năm trong năm đầu tiên.
Trước xu hướng lãi suất xuống thấp, không ít nhà đầu tư bất động sản không còn mặn mà với việc gửi tiền vào ngân hàng. Thay vào đó, họ hướng đến những kênh đầu tư ưa chuộng hơn và kỳ vọng mang lại lợi nhuận cao hơn.
Không còn ở thế “phòng thủ” giống như giai đoạn 1 năm qua, từ đầu tháng 11, anh Nguyễn Tuấn Quân - nhà đầu tư bất động sản tại Hà Nội, đã cùng nhóm đầu tư đi tìm kiếm đất nền tại nhiều khu vực ngoại thành. Mục tiêu của anh và cả nhóm là các lô đất có vị trí tốt, pháp lý rõ ràng với mức giá từ 4 - 5 tỷ đồng.
"Theo tôi, đây là thời điểm phục hồi của thị trường, việc mua bất động sản ở thời điểm này mang tới nhiều cơ hội hơn rủi ro. Dòng tiền đổ vào bất động sản do lãi suất thấp cũng kỳ vọng tạo ra "sóng" mới cho thị trường", anh Quân nói.
Tương tự, anh Nguyễn Đức Lương - nhà đầu tư tại Hải Dương cho rằng, thị trường bất động sản đã có những tín hiệu tích cực hơn trước. Hiện tại đang ở giai đoạn hồi phục nên là cơ hội để mua vào.
Khó đoán thời điểm “sóng” trở lại
Có thể thấy, việc lãi suất giảm vay và gửi đều giảm mạnh trong thời gian qua đã khiến một số nhà đầu tư có tâm lý lạc quan hơn vào thị trường bất động sản. Theo đó, họ kỳ vọng sẽ có thể đón được sóng của chu kỳ mới.
Trong báo cáo mới đây, VNDirect đưa ra dự báo thị trường bất động sản sẽ vẫn trầm lắng trong năm 2024, sự hồi phục sẽ rõ ràng hơn từ nửa cuối 2024 khi chính sách tiền tệ được nới lỏng hơn.
Cũng theo công ty chứng khoán này, có một sự khác biệt lớn giữa thời điểm hiện tại và giai đoạn 2011-2012. Ở giai đoạn trước, thị trường trong trạng thái dư cung và lạm phát ở mức rất cao, trong khi hiện tại nguồn cung dự án rất hạn chế và nguồn cầu vẫn chực chờ ở mức cao.
Dựa trên dòng nghiên cứu kéo dài chu kỳ lặp lại, đơn vị trên dự báo, cơn "sốt đất" có thể quay lại vào giai đoạn 2025-2026.
Theo ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS), tâm lý của nhà đầu tư dù đang dần tích cực hơn nhưng vẫn khá thận trọng, đặc biệt là những khách hàng đang đối diện với áp lực tài chính từ các khoản đầu tư thua lỗ trước đó, nên nhiều người chọn gửi tiền ngân hàng.
Để tháo gỡ tâm lý chờ của nhà đầu tư và khách hàng, qua đó kích thích dòng tiền đáo hạn nhà băng chảy vào nhà đất, theo chuyên gia này, điều quan trọng nhất lúc này là đẩy nhanh quá trình gỡ vướng về pháp lý và tiếp cận vốn cho doanh nghiệp, khơi thông nguồn cung trên thị trường.
Chia sẻ về vấn đề này, ông Võ Hồng Thắng, Giám đốc mảng dịch vụ tư vấn và Phát triển dự án - DKRA Group cho rằng, thời điểm hiện tại cho đến nửa đầu năm 2024 có thể xem như bước khởi đầu của một chu kỳ phục hồi và tăng trưởng tiếp theo của thị trường bất động sản. Thời điểm "sốt đất" khó đưa ra dự báo mà hiện tại thị trường cần sự hồi phục.