A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hà Nội sắp đấu giá hàng trăm lô đất, giá khởi điểm tăng 3-4 lần, đội lái có chùn tay?

Hàng trăm lô đất tại các huyện Phúc Thọ, Thanh Oai và thị xã Sơn Tây chuẩn bị được đưa ra đấu giá. Điểm chung là giá khởi điểm tăng mạnh, có lô tăng gần 4 lần.

Ngày 24/2 sắp tới, tại hội trường Trung tâm văn hóa - thông tin và thể thao huyện Phúc Thọ sẽ tổ chức đấu giá 12 thửa đất thuộc khu Đồng Phươm, xã Thọ Lộc (nay là xã Tích Lộc); 7 thửa đất tại khu Dộc Tranh, xã Trạch Mỹ Lộc (huyện Phúc Thọ. TP Hà Nội).

Theo công ty Đấu giá hợp danh Lạc Việt, các thửa đất có diện tích 68-196m2/thửa đất, với giá khởi điểm 19-25 triệu đồng/m2, tương đương 1,35-4,92 tỷ đồng/lô. Tiền đặt trước của các lô đất là 270-984 triệu đồng.

Sau đợt đấu giá tại Phúc Thọ vài ngày, huyện Thanh Oai cũng ra thông báo tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất đối với 54 thửa đất tại khu Ngõ Ba, thôn Thanh Thần, xã Thanh Cao.

Tổng diện tích 54 thửa đất là 4.405m2. Các thửa đất có diện tích bình quân 60-85m2. Giá khởi điểm 10,9 - 16,3 triệu đồng/m2, tương đương các thửa đất có giá khởi điểm dao động từ hơn 656 triệu đồng đến hơn 1,3 tỷ đồng. Số tiền đặt trước là 130-265 triệu đồng/thửa.

-2776-1739766992.jpg

Hoạt động đấu giá đất tại Hà Nội sôi động đầu năm 2025.

Cũng trong đầu tháng 3 tới, 7 thửa đất ở nông thôn với thời hạn sử dụng lâu dài tại Khu Tái định cư Xuân Sơn và Khu Tái định cư Đồng Láng, thị xã Sơn Tây, TP.Hà Nội cũng sẽ được đấu giá (dự kiến ngày 7/3). Các thửa đất có diện tích 300m2/thửa với giá khởi điểm 4,3 tỷ đồng/thửa.

Công ty Đấu giá hợp danh Thanh Xuân cũng vừa ra thông báo đấu giá 36 thửa đất tại thôn Đông Lai, xã Quang Tiến, huyện Sóc Sơn, Hà Nội vào ngày 8/3. Các thửa đất có diện tích khoảng 90-220,6 m2

Điểm chung của các phiên đấu giá là bằng bỏ phiếu kín trực tiếp tại cuộc đấu giá theo phương thức trả giá lên. Và đặc biệt là mức giá khởi điểm của hầu hết các lô đất được đưa ra đấu giá trong thời gian tới có mức tăng khá mạnh.

Điển hình, đất đấu giá tại huyện Sóc Sơn trong thời gian tới có giá khởi điểm hơn 9,1 triệu đồng/m2. So với năm 2024, mức khởi điểm này cao gấp 3,7 lần. Người tham gia phải nộp khoản tiền đặt trước 164-400 triệu đồng/lô.

Cũng cần nhắc lại, 36 thửa đất tại Sóc Sơn được đấu giá lại vào tháng 3 do không tìm được chủ trong phiên đấu ngày 29/11/2024. Đây là phiên có người trả tới 30 tỷ đồng/m2, cao gấp 12.000 lần giá khởi điểm làm cho phiên đấu giá bị hủy.

Không lâu sau đó, 5 đối tượng có hành vi “phá phiên đấu giá” đã bị công an tạm giữ vì có sai phạm liên quan việc trả giá nhằm "không cho lô đất được trúng đấu giá thành công".

Theo quy chế lần này, cuộc đấu giá được tổ chức trực tiếp đấu một vòng với bước giá 100.000 đồng/m2. Đây là điểm khác so với phiên đấu giá diễn ra vào năm 2024 (tối thiểu 6 vòng, bước giá 3 triệu đồng/m2), để tránh việc lợi dụng thông đồng nâng hoặc dìm giá.

Mức giá khởi điểm cao hơn cùng những thay đổi trong quy định đấu giá được kỳ vọng sẽ giúp ổn định hoạt động đấu giá đất tại vùng ven Hà Nội sau thời “nhảy múa”. Song theo giới quan sát, những điều này chỉ có thể hạn chế phần nào hoạt động của giới đầu cơ.

Chia sẻ với VnBusiness, anh Trần Vĩ Thanh, một “thổ địa” trong giới mua bán đất nền ở Hoài Đức nhìn nhận, giá đất đấu giá Hà Nội nhìn chung vẫn hấp dẫn nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư sở hữu dòng tiền mạnh, có nhu cầu lướt sóng, nhưng cũng sẵn sàng “găm hàng” khi cần.

Theo anh Thanh, mức cọc cao hơn sẽ giúp loại bỏ những “cá nhỏ” song khó có thể làm chùn bước những “tay to”. “Mức đặt cọc cao hơn nhưng vẫn rất thấp so với giá trị mỗi lô đất, vì vậy các nhóm đầu cơ mạnh vẫn sẽ không từ bỏ kế hoạch “lướt sóng” của mình. Với khoản chênh hàng tỷ đồng thì việc bỏ thêm vài trăm triệu để đặt cọc không là gì cả”, anh Thanh phân tích.

Có thể nói, đấu giá đất là một trong những nhiệm vụ quan trọng của các địa phương với mục tiêu tạo ra một nơi an cư cho người dân, đồng thời, tăng nguồn thu ngân sách để đầu tư phát triển hạ tầng.

Song, từ thực tế các phiên đấu giá đất ở các huyện ven đô Hà Nội cho thấy việc "đẩy" giá đất lên cao bất thường rồi bỏ cuộc giữa chừng, không tiếp tục trả giá hay những trường hợp đã trúng giá nhưng không nộp tiền, chấp nhận mất hàng trăm triệu đồng đặt cọc đang trở thành vấn đề đáng lo ngại cho thị trường bất động sản Hà Nội.

Để ngăn chặn tình trạng này, các chuyên gia cho rằng, các đơn vị tổ chức đấu giá cần rà soát chặt chẽ, đảm bảo mọi quy trình, thủ tục đấu giá tuân thủ đúng quy định của pháp luật. Đồng thời, các cơ quan quản lý Nhà nước cần tiếp tục có biện pháp điều chỉnh kịp thời khi phát hiện những dấu hiệu bất thường; sớm xem xét, điều chỉnh về cơ chế, chính sách, có những quy định chặt chẽ hơn để khắc phục những vấn đề tồn tại, bất cập trong đấu giá đất.

Nhật Minh


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết