FLC muốn mua lại tòa nhà trụ sở đã gán nợ cho OCB và bán luôn với giá 2.000 tỷ
FLC dự định sẽ mua lại tòa nhà trụ sở tại 265 Cầu Giấy (Hà Nội) từ Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) rồi bán lại cho bên khác với giá tối thiểu là 2.000 tỷ đồng.
HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC (HoSE: FLC) vừa thông qua nghị quyết về việc phối hợp cùng FLCHomes mua/bán lại công trình xây dựng hình thành trên đất tại địa chỉ 265 Cầu Giấy (Hà Nội).
Tòa nhà 265 Cầu Giấy từng là trụ sở của FLC, Bamboo Airways, nhưng đã được sử dụng để cấn trừ toàn bộ nghĩa vụ trả nợ bao gồm toàn bộ dư nợ gốc, lãi, dư nợ quá hạn của FLC, FLC Faros, FLCHomes, Bamboo Airways tại Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB).
Tòa nhà này do FLC xây dựng từ năm 2015, với tổng vốn đầu tư là 5.200 tỷ đồng và đưa vào sử dụng từ giữa năm 2019; gồm 38 tầng nổi, 4 tầng hầm, diện tích sử dụng hơn 100.000m2.
Theo dự kiến, sau khi mua lại tòa nhà 265 Cầu Giấy từ Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB), FLC sẽ bán/chuyển nhượng cho bên thứ ba khác với giá tối thiểu là 2.000 tỷ đồng.
Hiện FLC ghi nhận khoản vay ngắn hạn khoảng 713 tỷ đồng tại OCB và 817 tỷ đồng trái phiếu phát hành cho Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB).
Mới đây, FLC cũng đã thông qua việc sử dụng tài sản thuộc quyền sở hữu hợp pháp của tập đoàn để đảm bảo nghĩa vụ tài chính của FLC và Công ty TNHH MTV FLC Land phát sinh tại Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB).
Theo đó, tài sản đảm bảo cho nghĩa vụ tài chính của FLC và công ty con tại OCB là quyền khai thác, sử dụng, quản lý dự án đầu tư; quyền hưởng, nhận hoa lợi, lợi tức phát sinh, quyền nhận các khoản tiền có được liên quan/phát sinh bao gồm cả khoản tiền bồi thường/hỗ trợ từ cơ quan nhà nước có thẩm quyền do giải tỏa, đền bù theo quy định của pháp luật, bồi thường/hỗ trợ từ bên thứ ba; quyền tài sản/tài sản khác gắn liền với đất phát sinh từ 1.480 quyền sử dụng đất thuộc dự án đầu tư khu A, khu B và khu C – khu biệt thự nhà ở thuộc khu phức hợp tai huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai.
Nghĩa vụ tài chính của FLC và FLC Land đối với OCB bao gồm toàn bộ các nghĩa vụ trả nợ (nợ gốc, lãi trong hạn, lãi quá hạn, các khoản phải trả, chi phí xử lý tài sản thế chấp và các khoản phí, chi phí khác) theo một số các hợp đồng bảo lãnh, hợp đồng tín dụng, hợp đồng mua bán trái phiếu đã ký kết và các khoản vay/cấp tín dụng/bảo lãnh/cam kết cấp tín dụng khác và mọi nghĩa vụ tài chính của FLC và FLC Land đối với OCB.
Mục đích bảo đảm là để đổi chấp một phần và/hoặc toàn bộ các tài sản thế chấp đang đảm bảo cho các nghĩa vụ nợ nêu trên và đề nghị OCB xuất trả tài sản cho công ty.
Cổ phiếu FLC đã có chuỗi tăng mạnh trong thời gian gần đây. Giải trình về vấn đề này, FLC cho biết tập đoàn chưa nhận biết được sự kiện, thông tin liên quan nào đã làm ảnh hưởng đến giá cổ phiếu FLC. Tập đoàn này cho biết trong trường hợp cơ quan này nhận biết được các thông tin, sự kiên làm ảnh hưởng đến giá cổ phiếu FLC, đề nghị HoSE thông tin, làm rõ hoặc dẫn nguồn tin cụ thể để FLC biết và có thể đưa ra ý kiến xác nhận hoặc đính chính về sự kiện, thông tin đó.
Cuộc họp đại hội đồng cổ đông bất thường ngày 10/6 vừa qua của FLC đã không thành do không đủ điều kiện tiến hành do số cổ đông tham dự họp đại diện không đủ trên 50% tổng số phiếu biểu quyết của công ty. Doanh nghiệp dự kiến sẽ triệu tập họp đại hội cổ đông bất thường lần 2 vào ngày mai (2/7).