Dừng hoạt động chi nhánh miền Nam, doanh thu bất động sản của Hà Đô “bốc hơi” gần 75% nhưng Tập đoàn này vẫn muốn lấn sân sang bất động sản công nghiệp
Doanh thu và lợi nhuận cả năm 2023 của Tập đoàn Hà Đô (MCK: HDG ) đều giảm, trong đó doanh thu mảng bất động sản giảm đến 75%, thậm chí thông báo chấm dứt hoạt động chi nhánh tại miền Nam. Song, doanh nghiệp này vẫn tham vọng lấn sân sang lĩnh vực bất động sản khu công nghiệp, muốn làm chủ đầu tư 2 cụm công nghiệp 100 ha tại Ninh Thuận.
Lũy kế năm 2023, doanh thu thuần đem về 2.881 tỷ đồng, giảm 19,5%. Trong đó, năng lượng tiếp tục là lĩnh vực có đóng góp lớn nhất vào doanh thu của Tập đoàn. Cụ thể, doanh thu từ thủy điện và điện mặt trời, điện gió đạt gần 1.940 tỷ đồng, giảm hơn 8% và chiếm 65% cơ cấu doanh thu. Riêng doanh thu kinh doanh bất động sản "bốc hơi" gần 75% xuống 281,8 tỷ đồng.
Trong năm 2023, các khoản chi phí của Hà Đô đều gia tăng đáng kể so với năm trước như: Chi phí tài chính là 571,8 tỷ đồng, tăng 10,6%; Chí phí bán hàng là 8,2 tỷ đồng, tăng 78,4% và Chi phí quản lý doanh nghiệp là 171 tỷ đồng, tăng 7,5%.
Chi phí xây dựng cơ bản dở dang tại thời điểm 31/12/2023 ghi nhận gần 845 tỷ đồng, tập trung tại các dự án Khu đô thị Linh Trung (hơn 490 tỷ đồng), Khu nghỉ dưỡng Bảo Đại (hơn 198 tỷ đồng), khu đô thị mới An Khánh – An Thượng (gần 49 tỷ đồng) và tại các dự án khác là gần 108 tỷ đồng.
Kết quả, Hà Đô báo lãi 905,8 tỷ đồng trong năm 2023, giảm 33,5% so với năm trước. Đây là lần đầu doanh nghiệp này mất mốc lãi trên 1.000 tỷ đồng kể từ năm 2019.
Được biết, Tập đoàn Hà Đô được thành lập năm 1990, tiền thân là xí nghiệp xây dựng trực thuộc Viện Kỹ thuật Quân sự (Bộ Quốc Phòng). Năm 2010, Hà Đô chuyển thành mô hình công ty cổ phần và niêm yết trên sàn chứng khoán với mã HDG.
Công ty đang kinh doanh trong nhiều lĩnh vực như bất động sản, năng lượng, đầu tư tài chính. Trong lĩnh vực bất động sản, Hà Đô là chủ đầu tư của nhiều chung cư, khu đô thị như Hado Charm Villas quy mô 30 ha tại huyện Hoài Đức (Hà Nội), Centrosa Garden quy mô gần 7 ha ở quận 10 (TP HCM). Ngoài ra, Hà Đô cũng có 3 nhà máy điện gió, điện mặt trời và 5 nhà máy thuỷ điện.
Hiện Tập đoàn Hà Đô đang sở hữu 17 công ty con, 1 công ty liên kết và 2 chi nhánh (bao gồm chi nhánh miền Nam và Chi nhánh Khách sạn IBIS Hà Đô). Tuy nhiên mới đây, Tập đoàn Hà Đô đã có thông báo chấm dứt hoạt động Chi nhánh miền Nam tại địa chỉ số 60 đường Trường Sơn, phường 2, quận Tân Bình, TP. HCM. Lý do được Công ty đưa ra do kế hoạch kinh doanh thay đổi, cần tổ chức lại doanh nghiệp nên Hội đồng quản trị quyết định chấm dứt hoạt động của chi nhánh này.
Ngay sau quyết định dừng hoạt động chi nhánh miền Nam, Tập đoàn Hà Đô lại muốn mở đầu tham vọng lấn sân sang lĩnh vực bất động sản khu công nghiệp với các dự án đầu tiên tại Ninh Thuận
Cụ thể, Hà Đô đã đề xuất tỉnh Ninh Thuận cho phép khảo sát, lập quy hoạch chi tiết và làm chủ đầu tư 2 cụm công nghiệp 100 ha gần khu công nghiệp Cà Ná. Mỗi cụm công nghiệp này đều có quy mô 50 ha. Hai cụm công nghiệp trên được quy hoạch các nhóm ngành nghề chính như công nghiệp ít gây ảnh hưởng đến môi trường, công nghệ cao, công nghiệp chế biến, chế tạo.
Năm nay, Hà Đô sẽ tiếp tục triển khai M&A các dự án khu đô thị và đẩy mạnh đầu tư khu công nghiệp ở miền Bắc tại các tỉnh Hưng Yên, Thái Bình, Nam Định.
Đặc biệt, mảng kinh doanh bất động sản của Hà Đô có thể được cải thiện, phục hồi vì trong năm nay,Tập đoàn sẽ mở bán 130 căn nhà ở thấp tầng thuộc giai đoạn 3 của dự án Khu đô thị sinh thái Hado Charm Villas (Hà Nội) trong quý 1/2024 với giá bán dự kiến khoảng 80 - 95 triệu đồng/m2. Đây là dự án có tổng quy mô 30 ha với 528 căn nhà, bao gồm: biệt thự đơn lập, song lập, liền kề, và shophouse.
Cùng với đó, Hà Đô đang hoàn thiện thủ tục pháp lý cho 2 dự án bất động sản quy mô khác là Green Lane (Quận 8, TP.Hồ Chí Minh) và Linh Trung (TP.Thủ Đức, TP.Hồ Chí Minh). Hiện dự án Green Lane đã được phê duyệt Quy hoạch 1/500 cũng như chủ trương đầu tư, hiện tập đoàn đang đợi được cấp giấy phép xây dựng. Còn dự án Linh Trung vẫn đang tiếp tục xin phê duyệt Quy hoạch 1/500, tuy nhiên bị vướng cơ chế chung tại Nghị định 30 về giao chủ đầu tư, cần có thời gian chờ Nhà nước điều chỉnh cơ chế.
Lê Na