Đông Nam Bộ: Tháo nút thắt “điểm nghẽn” hạ tầng logistics
Hạ tầng phát triển ì ạch và thiếu cơ chế phù hợp để hoàn thiện hệ thống logistics là những nút thắt Đông Nam Bộ cần tháo gỡ để “khơi thông” dòng chảy logistics.
Là khu vực tập trung hạ tầng logistics quan trọng, đảm nhận phần lớn số lượng hàng hóa và khối lượng hàng container cả nước, tuy nhiên, khó khăn về hạ tầng là nguyên nhân quan trọng khiến logistics vùng Đông Nam Bộ vẫn chưa theo kịp tốc độ tăng trưởng xuất nhập khẩu, chưa giảm được chi phí.
Hạ tầng “trói” chân doanh nghiệp
Theo thống kê, vùng Đông Nam bộ có khoảng 14.800 doanh nghiệp cung ứng dịch vụ logistics, chiếm 49,2% tổng số doanh nghiệp trong ngành này trên cả nước, tập trung chủ yếu tại TP.HCM với hơn 11.000 doanh nghiệp, Bình Dương có gần 1.700 doanh nghiệp và Đồng Nai có hơn 1.200 doanh nghiệp.
Đông Nam Bộ cũng là khu vực tập trung nhiều đầu mối giao thông quan trọng của cả nước như: sân bay Tân Sơn Nhất, sân bay Long Thành (đang xây dựng), cảng nước sâu Cái Mép - Thị Vải, các cảng biển TPHCM, cảng Đồng Nai. Và là trọng điểm xuất nhập khẩu với 13 cửa khẩu đường bộ, trong đó có 4 cửa khẩu quốc tế (Hoa Lư, Xa Mát, Mộc Bài, Tân Nam), 3 cửa khẩu chính (Hoàng Diệu, Lộc Thịnh và Phước Tân) và 6 cửa khẩu phụ (Tân Tiến, Kà Tum, Tống Lê Chân, Vạc Sa, Chàng Riệc và Tà Nông).
Tuy nhiên khu vực này lại đang tồn tại những “điểm nghẽn” về hạ tầng giao thông, cơ chế chính sách…gây cản trở lớn đến sự phát triển logistics. Hạ tầng giao thông tại TP.HCM nói riêng và cả vùng Ðông Nam bộ nói chung thiếu tính đồng bộ dẫn tới quá tải, tắc nghẽn vận chuyển hàng hoá, làm tăng chi phí logistics.
Giao thông đường bộ chưa đáp ứng tải trọng phù hợp giao thương hàng hóa. Vận tải đa phương thức chưa phát huy hiệu quả kết nối cảng với các khu công nghiệp, nhà máy, kho hàng vì thiếu kết nối giữa đường sắt-đường bộ-đường thủy nội địa. Toàn vùng hiện chỉ mới có duy nhất tuyến cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây. Các dự án quy hoạch đường vành đai và trục giao thông kết nối chậm triển khai…Riêng tại TP.HCM, các tuyến vành đai kết nối với các tỉnh Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ chưa được đầu tư đúng mức, đặc biệt là hệ thống vành đai 2, vành đai 3, vành đai 4 thường xuyên có tắc nghẽn tại các tuyến đường bộ đến cảng Cát Lái, ICD Trường Thọ.
Cát Lái là cảng container lớn nhất Đông Nam Bộ nhưng thường xuyên ùn tắc vào giờ cao điểm.
Dù có 6 tuyến đường thuỷ nội địa nhưng phần lớn lại không bảo đảm tĩnh không, khoang thông thuyền trên các tuyến chính. Cát Lái là cảng container lớn nhất Đông Nam Bộ nhưng thường xuyên ùn tắc vào giờ cao điểm. Các trung tâm logistics, ICD, trung tâm phân phối còn phân bố rời rạc, thiếu đồng bộ. Sân bay Tân Sơn Nhất quá tải, các ga hàng không phải hoạt động hết công suất.
Nhiều phương án được đặt ra như giải pháp sử dụng hệ thống đường thủy chằng chịt, dày đặc của vùng, song song đó kết nối với Tây Nam Bộ, để thuận tiện vận chuyển hàng hóa, tiết kiệm chi phí logistics. Tuy nhiên, trên thực tế cơ sở hạ tầng còn nhiều hạn chế, chưa đủ điều kiện để đưa vào phục vụ ngành.
Hiện tại, cơ sở hạ tầng kho bãi của doanh nghiệp đầu tư tại một số cảng biển, trong đó có cảng Long Bình, TP.HCM không hoạt động hết công suất được vì giao thông không đồng bộ, thiếu kết nối. Cảng Long Bình thiết kế 1 triệu TEUs/năm với điều kiện kết nối được vào đường Vành đai 3, tuy nhiên hiện nay lại phải kết nối vào đường Nguyễn Xiển khiến công suất của cảng này chỉ đạt một nửa so với dự kiến.
Cần nhiều cơ chế để bứt phá
Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 7-10-2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Nghị quyết số 31-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã định hướng rõ TPHCM xây dựng cảng trung chuyển container tại Cần Giờ; hình thành vành đai công nghiệp, đô thị, dịch vụ, logistics dọc theo vành đai 3 và 4, kết hợp xây dựng các tuyến cao tốc giữa TPHCM với Mộc Bài (Tây Ninh), Chơn Thành, Long Thành (mở rộng), và Trung Lương Mỹ Thuận (mở rộng); và phát triển chuỗi công nghiệp, đô thị Mộc Bài - TPHCM - Cái Mép.
Để hiện thực hoá Nghị quyết số 24 và Nghị quyết số 31, thời gian qua, từng địa phương đã đề xuất và triển khai nhiều phương án với mục tiêu cải thiện hoạt động logistics, tăng cường kết nối logistics vùng.
TP Hồ Chí Minh vừa là thị trường tiêu thụ lớn, vừa là trung tâm phân phối lớn nhất nước nhưng hoạt động logistics tại đây lại đang gặp phải nhiều trở ngại, nổi bật trong số đó là hiện trạng về hạ tầng. Từ nhu cầu thực tế, TP.HCM đã xây dựng Đề án phát triển Logistics đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 với nhiều giải pháp, trong đó có quy hoạch 7 trung tâm logistics. Tuy nhiên, hiện mới có Trung tâm logistics khu công nghệ cao (6 ha) đang trong giai đoạn lựa chọn nhà đầu tư để triển khai xây dựng, các trung tâm logistics còn lại chủ yếu ở giai đoạn lập quy hoạch phân khu.
Các chuyên gia nhận định, việc kết nối hạ tầng vùng là một bài toán khó, đòi hỏi sự chung tay của các địa phương và sự đồng hành, đóng góp ý kiến – sáng kiến của doanh nghiệp nhằm thúc đẩy hoạt động logistics theo hướng liên kết vùng, đặt lợi ích chung lên trên lợi ích của từng địa phương. Đồng thời, doanh nghiệp cần chủ động cập nhật công nghệ, nền tảng tối ưu hóa logistics nhằm cắt giảm chi phí logistics, nâng cao chất lượng, hiệu quả cung cấp dịch vụ.
Nhiều doanh nghiệp logistics cũng bày tỏ mong muốn Chính phủ và từng địa phương cần có chính sách kêu gọi hỗ trợ đầu tư như: Ưu đãi thuế, bảo lãnh khoản vay, bảo hiểm tín dụng, tài trợ lãi suất thấp, quy hoạch các trung tâm logistics đồng bộ gắn với quy hoạch chung, các mục tiêu phát triển của địa phương và cả vùng kinh tế…