CEO Đất Xanh Miền Bắc: Thị trường BĐS bị tác động mạnh bởi dịch Covid-19, hàng trăm sàn giao dịch phải đóng cửa
Từ cuối năm 2019 đến nay thị trường bất động sản có xu hướng "đuối" dần. Cung, cầu trên thị trường đều giảm một cách rõ rệt.
Thị trường BĐS đang đối diện với nhiều khó khăn thách thức khi hàng trăm dự án "đứng hình" suốt năm qua, dòng vốn tín dụng bị siết chặt, dịch bệnh diễn biến phức tạp khiến thị trường bị đảo lộn...
Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Vũ Cương Quyết, Tổng Giám đốc Đất Xanh Miền Bắc - một trong những đơn vị phân phối BĐS lớn trên thị trường hiện nay về thực trạng này.
- Ông có thể cho biết tình hình thị trường BĐS hiện nay như thế nào, nhất là hiện nay dịch bệnh Covid-19 đang có diễn biến phức tạp?
Ông Vũ Cương Quyết: Thực sự thị trường BĐS đang rất khó khăn! Một là khó khăn của thị trường liên quan đến việc rà soát pháp lý dự án suốt năm qua, hai là thị trường bị đảo lộn bởi diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19. Khiến cả 2 dòng tiền từ người mua nhà ở thực và nhà đầu tư đều giảm sút.
Người mua nhà thì bị tác động đến quyết định mua còn nhà đầu tư thì chịu tác động mạnh, nhất là nhà đầu tư BĐS du lịch do giảm sút niềm tin vào thị trường trong ngắn hạn.
Thống kê sơ bộ, số lượng giao dịch tại Hà Nội, TP.HCM và một số địa phương có thị trường bất động sản phát triển như Khánh Hòa, Đà Nẵng, Quảng Ninh, Kiên Giang… có khoảng 83.136 giao dịch thành công giảm 26,1% so với năm 2018. Số lượng bất động sản nghỉ dưỡng căn hộ du lịch, biệt thự du lịch có khoảng 6.200 giao dịch, giảm 20% so với năm 2018. (Nguồn: Bộ Xây dựng)
Cuối năm 2019 thị trường bắt đầu khó khăn, còn thị trường nghỉ dưỡng thì chịu cú sốc từ vụ phá vỡ hợp đồng cam kết lợi nhuận ở dự án Cocobay Đà Nẵng. Nhưng khi đó, nhiều nhà đầu tư vẫn còn lạc quan về tương lai sáng lạn của thị trường BĐS 2020 khi các khó khăn dần được tháo gỡ. Nhưng, từ đầu năm đến nay, dịch Covid-19 đã làm đảo lộn hoàn toàn, thị trường bị tác động mạnh, thực tế thị trường BĐS nghỉ dưỡng khá căng.
Còn đối với bất động sản nhà ở, nhu cầu thực vẫn có và trong bối cảnh khó khăn đó thì chính nhu cầu mua nhà của người nước ngoài (khoảng 30% ở mỗi dự án) lại đang là điểm sáng hỗ trợ cho thị trường. Hiện nay, tại hệ thống của Đất Xanh Miền Bắc tỷ lệ người nước ngoài giao dịch chiếm khoảng 10% tổng số giao dịch. Tính từ đầu năm đến hết 15/3, toàn hệ thống có khoảng trên 260 giao dịch thành công, nhưng chủ yếu là người mua nhà ở thực, đã tìm hiểu về dự án từ trước đó, còn hiện giờ các sự kiện mở bán phải tạm dừng lại.
Một điều có thể thấy sự tác động rất rõ bởi Covid-19, đó là hầu hết các giao dịch gần đây đều mới chỉ là đặt cọc hoặc đăng ký mua qua online, các thủ tục ký hợp đồng đều phải "delay" lại do người mua không đến trực tiếp ký hợp đồng.
Về xu hướng đầu tư: Theo tôi, dòng tiền đầu tư đang bị tác động mạnh. Bởi hầu hết quá trình đi lại tìm hiểu dự án của các nhà đầu tư đều bị ngăn cản lại bởi dịch bệnh. Tuy nhiên, nếu có những dự án tốt, giá bán hợp lý trong thời điểm này thì vẫn có giao dịch. Tuần qua chúng tôi có mở bán một dự án chung cư giá vừa túi tiền tại Hà Nội, nhà đầu tư và khách hàng vẫn "xuống tiền" đặt cọc giữ chỗ và chuyển tiền qua ngân hàng. Bán được hàng là bởi nhiều nhà đầu tư, khách hàng đã biết về dự án từ trước.
-Tình hình hoạt động bán bất động sản của các công ty môi giới hiện nay ra sao, thưa ông?
Ông Vũ Cương Quyết: Ở thời điểm này, thị trường đang thanh lọc rất khốc liệt. Dịch bệnh đã khiến hàng trăm sàn giao dịch phải đóng cửa hoặc giảm quy mô hoạt động. Theo tôi được biết, có nhiều sàn BĐS nhỏ đã đóng cửa từ Tết để đi làm việc khác.
Trong tổng số khoảng 1.000 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực môi giới, hiện có tới 1/3 số sàn giao dịch bất động sản phải đóng cửa vì chủ đầu tư không mở bán sản phẩm.. Cùng với đó, khoảng 500 sàn giao dịch phải tạm dừng hoạt động một phần. (Hội môi giới BĐS Việt Nam)
Số lượng sàn giao dịch còn lại trên thị trường ít đi vì thế giao dịch cũng giảm đáng kể. Một số sàn bất động sản chuyên nghiệp vẫn hoạt động bởi có hệ thống.
Theo tôi, đây là thời điểm để các công ty môi giới tự thanh lọc để định hình lại cách thức hoạt động, hướng đến mục tiêu dài hạn.
-Trong bối cảnh như vậy, theo ông cần có những giải pháp nào để vượt qua khủng hoảng?
Ông Vũ Cương Quyết: Không chỉ có các doanh nghiệp BĐS mà tất cả các doanh nghiệp đang gặp khó khăn nên phải có một giải pháp tổng thể.
Đầu tiên, theo tôi đó là các giải pháp tổng thể mà Chính phủ, cơ quan bộ ngành đã và đang triển khai một cách quyết liệt. Đó là việc giảm lãi suất, giãn nợ, giãn thuế…cho các doanh nghiệp. Bên cạnh đó còn là vấn đề lương và bảo hiểm, cần có cách thức để hỗ trợ cho doanh nghiệp và người lao động, nếu không sẽ gây ra hệ lụy rất lớn nếu như quỹ lương và bảo hiểm "vỡ" khi có nhiều người thất nghiệp.
Còn nội tại bản thân doanh nghiệp cũng cần phải có giải pháp mạnh tay như cắt giảm chi phí đáng kể. Chẳng hạn ở Đất Xanh Miền Bắc, từ đầu năm đến nay tôi đã cho cắt giảm tất cả các khoản chi phí rườm rà. Trong đó, đầu tiên là chi phí marketing và quảng cáo dự án. Tỷ lệ cắt giảm cỡ khoảng 70%. Trước đây, Đất Xanh Miền Bắc thường dùng cỡ khoảng 3-4 tỷ đồng mỗi tháng, khoảng 1 tỷ đồng mỗi tuần nhưng nay chỉ còn khoảng 200-300 triệu đồng.
Thứ hai là chi phí mặt bằng, nhiều công ty môi giới đã phải trả lại mặt bằng, trong đó Đất Xanh Miền Bắc cũng phải trả lại một số điểm không quan trọng, rút về một số địa điểm chính.
Tôi nghĩ trong bối cảnh khó khăn này, các ông chủ cho thuê mặt bằng cũng cần chung tay với cộng đồng doanh nghiệp cắt giảm giá thuê, miễn tiền thuê mặt bằng để cùng vượt qua dịch bệnh. Chẳng hạn như mới đây VinGroup đã công bố miễn 300 tỷ đồng tiền thuê mặt bằng cho khách hàng. Đây là việc làm rất tốt để chia sẻ với cộng đồng.
Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp cũng đã tính đến các phương án giảm số lượng nhân sự, tạo nên bộ máy tinh ngọn. Tuần trước, tôi cũng đã kêu gọi anh em lãnh đạo, nhân sự khối "back" trong công ty nhận lương thấp hơn, nhưng trong tình thế này tôi muốn kêu gọi nhân viên đồng lòng chia sẻ khó khăn với tổ chức chứ không phải là mệnh lệnh của cấp trên.
Xin cám ơn ông!