A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Xôn xao chuyện bà mẹ ở TP.HCM cho con "thất học" 2 năm vì nợ gần 100 triệu học phí: Nhiều người chỉ ra 1 sai lầm "chí mạng"

Không ít phụ huynh cho rằng, câu chuyện của bà mẹ này là bài học quá đắt về quản lý rủi ro.

Doanh nghiệp gia đình phá sản, không có tiền nộp học nhiều tháng, con trai bị đình chỉ học và nghỉ ở nhà đến nay gần 2 năm. Đó là câu chuyện của chị Nguyễn Thị Hiếu (SN 1977), một phụ huynh ở TP. HCM đang thu hút sự chú ý và nhận về hàng trăm ý kiến trái chiều.

Bà mẹ này cho biết, con trai mình là W.A.H. từng học từ lớp 1 đến lớp 9 tại một trường quốc tế ở TP.HCM. Trước đây chị làm ngành kinh doanh xuất khẩu hàng ra nước ngoài, thu nhập cũng ổn nên đủ tài chính để lo cho con. Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 đến quá bất ngờ, không kịp trở tay nên công ty rơi vào tình trạng phá sản, nợ nần rất nhiều. Chị phải thanh lý hết cả tài sản để trả cho ngân hàng.

Khi đó phía nhà trường đã hỗ trợ để con học và cho nợ học phí. Nhưng sau khoảng 4 - 5 tháng, vì gia đình không có khả năng đóng học phí, trường đã đình chỉ học và số tiền chị nợ nhà trường tổng là 105 triệu. Con chị phải nghỉ học tính đến nay gần 2 năm.

"Mình đã nhiều lần liên hệ với Ban lãnh đạo trường để xin khất nợ và cam kết trả dần, với mục đích là xin học bạ cho cháu ra ngoài học ở những trường có mức học phí thấp hơn. Nhưng trường nhất quyết không đồng ý, đồng thời cũng không trả học bạ cho cháu, chính vì vậy cháu phải nghỉ học gần 2 năm trời. Trường bắt mình phải trả đủ số học phí đó mới giải quyết học bạ cho con.

Là người mẹ, mình rất đau buồn, bất lực vì không thể xoay ra số tiền đó trả nợ cho trường để lấy học bạ xin cho con học trường khác. Vì cha mẹ phá sản mà con phải thất học mình rất buồn và không biết phải làm thế nào?", chị nói.

Bà cho hay sau nhiều lần làm việc, nhà trường đã giảm 30% học phí nhưng vẫn giữ quan điểm khi nào trả hết tiền mới nhận lại được học bạ.

Bà mẹ này cho rằng, nợ là do cha mẹ nợ, mà con phải chịu thất học. Phía nhà trường, chỉ vì 1 khoản nợ đó mà cướp đi quyền được học tập của con trẻ như vậy thì đúng hay sai? Câu chuyện của bà mẹ thu hút sự chú ý và nhiều tranh luận trái chiều với hai luồng ý kiến.

Luồng ý kiến thứ nhất: Phụ huynh sai, trường học là "nạn nhân"

Một phía cho rằng, trong trường hợp này, xét về lý, nhà trường không sai. Ngay khi không có biến cố xảy ra, đáng lẽ phụ huynh phải lên kế hoạch đổi trường và có phương án sắp xếp tài chính khác. Trường đã hỗ trợ gần một học kỳ mà phụ huynh vẫn chưa thu xếp được thì đó là lỗi của gia đình.

Thêm nữa, phụ huynh để đến 2 năm vẫn chưa thanh toán số tiền học thì không thể trách nhà trường. Ngay từ đầu không có tiền nữa nên chuyển con đi, chị lần lữa hẹn trường hết tháng này tới tháng khác không đóng tiền học phí lẫn không chuyển trường. Nếu nói muốn trả một nửa thì đáng lý 2 năm qua, phụ huynh nên trả dần để trường thấy thái độ cầu thị chứ không phải lờ đi luôn. Anh em người thân bạn bè gia đình còn không dám cho nợ 100 triệu để con rút học bạ ra nói gì ai khác?

Về bản chất, giáo dục ở các trường tư thục cũng là hoạt động kinh doanh, nên các nguyên tắc cạnh tranh và lợi nhuận đều được đưa ra xem xét và các trường cũng sẽ quản lý theo kiểu kinh doanh, hoạt động theo định hướng thị trường.

Nếu trường giải quyết cho phụ huynh rút học bạ, nhưng sau đó gia đình không đóng tiền thì trường biết làm sao? Có kiện cáo thì cũng mất thời gian, phí này kia có khi còn hơn cả tiền học phí thu lại được. Phụ huynh khó khăn nhưng nhà trường nuôi bộ máy cả mấy trăm giáo viên, nhân sự.

"Trường hợp của chị là chưa đóng tiền học phí nên chưa hoàn thành chương trình học, cụ thể là bị đình chỉ. Nên nhà trường có quyền giữ học bạ. Có tiền đủ đóng học phí để học hết thì ai nói làm gì. Họ đã rất nhân đạo khi cho khất nợ. Lỗi tại phụ huynh không chừa đường lui cho con khi phá sản. Đáng lẽ lúc đó chị nghĩ lợi ích con chị lên đầu tiên, bán nhà để bỏ tài khoản cho con trai chị học và lo tương lai cái đã. Lo ngại người ta đòi nợ, bán nhà trả cho người ta mà không chừa 100 triệu để lo tương lai cho con cái, chị trách ai được bây giờ.

Chị có nghĩ tới tiền nợ học phí của con chị cũng là tiền lương, tiền mồ hôi nước mắt của các giáo viên nhân viên, tiền học phí của con họ không? Giai đoạn qua rất nhiều gia đình khó khăn, và nhà trường cũng vậy. Không nên dùng cái khó khăn của mình để bắt cóc "đạo đức" trong khi nhìn lại thì người ta là nạn nhân thật sự trong vụ việc này", một phụ huynh nêu ý kiến.

Luồng ý kiến này cũng cho rằng, nếu nói nợ do cha mẹ nợ, nhưng trường "tước quyền học của con cái..." là thiếu hợp lý. Không ai tước quyền của bé cả, nếu trả tiền cho trường thì trường trả học bạ cho bé bình thường.

"Chị đang nợ, chị đang không trả và không có khả năng trả, nhưng bài của chị chăm chăm chỉa mũi dùi vào nhà trường, ẩn ý nói trường hành xử "tước quyền" của bé, nhưng không thấy câu nào lời nào đả động trách nhiệm và nghĩa vụ của chị trong chuyện chị nợ không trả? Nhà trường đang là nạn nhân trong một vụ thiếu tiền học phí, sao qua lời của chị lại thấy trường thành kẻ xấu xa ức hiếp trẻ em mẹ đơn thân rồi?", phụ huynh T.N nêu ý kiến.

 

Việc để nợ học phí và sau đó bị giam học bạ, giam văn bằng tốt nghiệp là một điều cần được các gia đình lưu tâm và nhìn nhận đúng đắn cả hai chiều. Đứa trẻ là người bị ảnh hưởng nhiều nhất, thiệt thòi nhất nhưng không có nghĩa vì cậy mà phụ huynh vô tội, trở thành nạn nhân trong những "case" thế này.

Học bạ là bảo chứng duy nhất với trường để đảm bảo chị sẽ trả nợ. Nếu lấy nó ra, không ai thấy phụ huynh đề xuất cách gì để trường an tâm sẽ thanh toán phần nợ đó cả. Nên việc trường không chịu thỏa thuận là đương nhiên.

Rõ ràng, trường học mới là nạn nhân. Hàng trăm giáo viên, nhân viên, con cái của họ đi học cũng trông chờ vào phụ huynh đóng tiền học đầy đủ cho họ lãnh lương nuôi gia đình. Ai cũng nợ trăm triệu rồi đòi rút học bạ thì hàng trăm nhân viên giáo viên ấy sẽ ra sao? Con cái họ ra sao? Cứ tưởng tượng mình vay tiền ngân hàng thế chấp bằng cái nhà, không đóng nổi lãi và ngân hàng cưỡng chế nhà, mình nói ngân hàng cướp đi quyền có nơi ở của công dân, thì nghe có hợp lí không?

"Cũng có một số phụ huynh bảo đi học là quyền lợi của trẻ em. Mình đồng ý, nhưng không tuyệt đối hóa nó, phải đặt nó trong từng tình huống để cân nhắc. Quyền lợi của trẻ em cần cân bằng quyền lợi của các bên như doanh nghiệp, người cung cấp dịch vụ. Nếu tuyệt đối hóa trong mọi trường hợp, thì ai đều có thể vũ khí hóa quyền lợi này, không trả học phí và lấy quyền lợi trẻ em để ép doanh nghiệp. Điều này cũng không chấp nhận được", một ông bố nhận định.

Luồng ý kiến thứ hai: Trường không sai về lý, nhưng thiếu đi cái "tình"

Nhóm phụ huynh còn lại phản biện: Giáo dục không giống như những ngành nghề kinh doanh khác, khi trong giáo dục ngoài lợi nhuận còn mang tính nhân văn, nhân bản. Trong trường hợp này, phụ huynh đã hoàn toàn mất khả năng nên phải để con thất học 2 năm thì nhà trường nên coi đây là 1 trường hợp nằm trong quản lí rủi ro hoạt động.

Học bạ của con không phải tài sản thế chấp cho món nợ của phụ huynh! Nếu phụ huynh cam kết sẽ trả nợ mà không trả thì trường có quyền khởi kiện phụ huynh, chứ không phải giam học ba tước đi quyền học tập của trẻ.

Nhận định về câu chuyện này, một Thạc sỹ quản lý giáo dục ở Hà Nội bình luận: "Kinh nghiệm của mình với học sinh - sinh viên Việt Nam/nước ngoài đều là: Thanh toán hết công nợ - trả đủ giấy tờ. Đây là bài học quá đắt về quản lý rủi ro".

Một sai lầm chí mạng của nhiều phụ huynh là cho con học trường đắt tiền với tâm thế tới đâu hay tới đó. Trên thực tế, đã xác định học quốc tế là phải có nền tảng tài chính vững mạnh cho mười mấy năm, nếu chỉ dựa vào thu nhập hiện tại tốt mà học thì rất rủi ro.  Những gia đình cho con học ở trường quốc tế thường phải có điều kiện kinh tế xuyên suốt chương trình và đích đến của các em này là học hết cấp ba thường sẽ đi du học.

Còn những gia đình không theo tới nơi thì sẽ rất khó cho con về sau. Nếu không may hết tiền học trường quốc tế, học sinh sẽ khó chuyển sang trường công được, kể cả trường tư chất lượng cao (do không quen với cách học ở các môi trường giáo dục này nên khó bắt nhịp và hòa nhập lại).

Trường hợp chuyển trường kết hợp chuyển cấp còn dễ, chứ nếu đang học dang dở ở giữa cấp học tại trường quốc tế mà học sinh phải chuyển qua trường công thì khả năng cao không thể thích nghi được.

Một phụ huynh có con học trường quốc tế cho biết, để không bị đứt gánh giữa đường ở trường quốc tế thì ít nhất phải có vài tỷ đồng gửi sẵn ở ngân hàng. Việc học của một đứa trẻ kéo dài ít nhất cũng 12 năm. Thường mọi người luôn nghĩ đến những hoàn cảnh lạc quan nhất như công việc ổn định, lương cao... nhưng với đại dịch Corona, ít nhiều tất cả chúng ta đều thấm và học được những bài học mới về sự thay đổi khó đoán của cuộc sống.

Nếu còn do dự khoản học phí thì phụ huynh đừng "cố đấm ăn xôi", đến lúc "đuối" mới rút thì đổ hết công sức xuống sông xuống biển.

Liên quan đến sự việc, ngôi trường nơi con phụ huynh Nguyễn Thị Hiếu theo học cho biết, phụ huynh của học sinh nợ 4 tháng học phí và tiền ăn, tổng cộng hơn 83,2 triệu đồng. Số tiền sau giảm 30% còn hơn 58,2 triệu đồng.

Thời điểm đầu, nhà trường không thể liên lạc được với phụ huynh. Trong suốt thời gian đó, trường vẫn tạo điều kiện cho học sinh được học tập, vẫn ăn 3 bữa/ngày, hưởng các dịch vụ khác và hoàn thành chương trình học kỳ I, lớp 9. Do không liên hệ được với phụ huynh, cũng không hoàn tất các khoản nợ học phí và tiền ăn, nhà trường buộc lòng phải thông báo tạm ngưng việc học tập của học sinh tại trường.

Nhà trường cho biết tháng 7/2023, phụ huynh gửi đơn đề nghị rút học bạ, còn các khoản nợ học phí và tiền ăn sẽ trả dần. Nhà trường đã chia sẻ, hỗ trợ phụ huynh 30% tổng học phí và tiền ăn nêu trên, tuy nhiên phụ huynh vẫn không hoàn thành trách nhiệm tài chính của mình với trường. Sau đó, phụ huynh cũng không liên hệ gì với trường.

Mới đây, phụ huynh liên hệ lại, đề nghị đóng 50% số nợ sau khi đã được giảm 30% và rút học bạ, phần còn lại phụ huynh sẽ trả dần mà không có căn cứ và cam kết thời hạn.

"Trường đã tạo nhiều điều kiện cho phụ huynh và học sinh, tuy nhiên, phụ huynh không có thiện chí thanh toán bất kỳ một khoản nào trong tổng số học phí và phí nợ cho trường trong hơn một năm qua. Do vậy, trường đề nghị phụ huynh hoàn thành trách nhiệm tài chính của mình theo quy định chung", đại diện nhà trường cho hay trên Dân Trí.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan