Vụ biến đất mặt tiền thành đất hẻm để trốn thuế: Có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm
Hội đồng xét xử (HĐXX) cho rằng có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm, cần nhập vụ án trốn thuế và làm giả con dấu, tài liệu cơ quan, tổ chức để điều tra toàn diện.
Toà án nhân dân (TAND) quận 12 TP.HCM tiếp tục xử sơ thẩm vụ Trương Thị Thu Thủy (nguyên nhân viên Chi cục Thuế quận 12), Nguyễn Thị Bích Phượng (nguyên đội trưởng Đội thuế liên phường Chi cục Thuế quận 12), Nguyễn Quang Minh (nguyên chi cục trưởng Chi cục Thuế quận 12) bị truy tố về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Trước đó, phiên tòa được mở vào ngày 12/4 nhưng tạm ngừng.
Bị cáo: "Không nhận biết hồ sơ làm giả"
Vụ án bắt nguồn từ đơn tố giác về hành vi gian lận, trốn thuế của ông Bùi Mạnh Hải (ngụ quận 12). Năm 2009, ông Hải mua thửa đất nông nghiệp diện tích hơn 4.000m2. Năm 2012, ông Hải giao cho người làm dịch vụ giấy tờ thực hiện thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất thành đất ở và tách thành bốn thửa.
Thửa đất có vị trí mặt tiền đường Tô Ngọc Vân, lộ giới 16m nhưng hồ sơ tính thuế lại thể hiện vị trí đất thuộc hẻm cấp còn lại và căn cứ vào vị trí này để tính thuế. Do đó, ông Hải chỉ nộp thuế hơn 2,1 tỷ đồng trong khi số tiền nộp thuế thật sự gần 8,7 tỷ đồng, chênh lệnh hơn 6,5 tỷ đồng.
Tại tòa, bị cáo Thủy và Phượng đều khai có phát hiện đơn xác nhận vị trí nhà đất của UBND phường Thạnh Xuân thiếu xác nhận đoạn đường Tô Ngọc Vân nhưng tự xem bản đồ địa chính hiện trạng để xác định vị trí đất và lấy đó làm căn cứ tính thuế.
Hai bị cáo cho rằng hành vi trên là tuân thủ quy trình được hướng dẫn tại Chỉ thị 6265 được Cục Thuế TP. HCM ban hành năm 2010 và Thông tư 30/2005 của Bộ Tài chính và Bộ TN&MT.
Trả lời câu hỏi của Viện kiểm sát (VKS) và luật sư bào chữa về nguyên nhân sai sót trong tính thuế, hai bị cáo này đều cho rằng hồ sơ bị làm giả nên dẫn đến tính sai thuế và cả hai đều không thể nhận biết hồ sơ giả bằng mắt thường.
Riêng bị cáo Quang cho rằng cáo trạng của VKS đã truy cứu trách nhiệm quá nặng với ông. Theo bị cáo này, hành vi của bản thân chỉ có sai sót về nghiệp vụ và không gây hậu quả nghiêm trọng.
Quan điểm bào chữa của luật sư, nguyên nhân chính dẫn đến tính sai tiền thuế là do hành vi làm giả giấy tờ, việc này các bị cáo không thể nhận biết. Ba bị cáo dựa theo quy trình luật định nên không có dấu hiệu vi phạm.
Đối đáp quan điểm, VKS nhấn mạnh Chỉ thị 6265 và Thông tư 30/2005 đều quy định thành phần hồ sơ tính thuế bắt buộc phải có đơn xác nhận vị trí nhà đất của UBND cấp phường và cán bộ thuế có trách nhiệm xem xét toàn bộ hồ sơ tính thuế. Tuy nhiên, các bị cáo đã không xem kỹ hồ sơ, đặc biệt đơn xác nhận vị trí thiếu xác nhận đoạn đường Tô Ngọc Vân mà lại tự xem bản đồ thực trạng để tính thuế để dẫn đến các sai phạm nghiêm trọng.
HĐXX nhận thấy việc cơ quan điều tra và VKS xác định tờ trình không là thành phần bắt buộc trong hồ sơ tính thuế là chưa đúng quy định nên có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm. Cạnh đó, bốn hồ sơ tính thuế có nhiều điểm bị sửa chữa cho thấy có dấu hiệu của một tội phạm khác.
Có dấu hiệu tội phạm khác
Về việc các bị cáo và luật sư cho rằng nguyên nhân sai sót do không thể nhận biết hồ sơ giả, HĐXX nhận định với tội danh truy tố là thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, tòa không dựa vào tình tiết các bị cáo có phát hiện được giấy tờ giả hay không để chứng minh tội phạm.
Tại thời điểm các bị cáo xem xét hồ sơ tính thuế, các bị cáo không phát hiện sai sót, không xem xét tờ trình chuyển mục đích, không xem xét toàn diện hồ sơ, chỉ dựa vào bản đồ thực trạng làm căn cứ tính thuế. Điều này cho thấy các bị cáo đã thiếu trách nhiệm khi thực thi công vụ.
HĐXX nhận định qua phần xét hỏi tại tòa, bị cáo Phượng và Thủy đều cho rằng bản thân không vi phạm pháp luật và làm đúng theo quy trình luật định khi xem xét bốn hồ sơ tính thuế.
Tuy nhiên, các bị cáo đã không xem xét toàn diện hồ sơ. Cả bốn hồ sơ tính thuế đều có tờ trình chuyển mục đích sử dụng đất và các tờ trình ghi rõ đất tiếp giáp đường Tô Ngọc Vân, việc các bị cáo không đọc tờ trình là không đúng quy định.
HĐXX nhận thấy việc cơ quan điều tra và VKS xác định tờ trình không là thành phần bắt buộc trong hồ sơ tính thuế là chưa đúng quy định nên có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm. Cạnh đó, bốn hồ sơ tính thuế có nhiều điểm bị sửa chữa cho thấy có dấu hiệu của một tội phạm khác.
Cũng theo HĐXX, cần nhập vụ án trốn thuế và làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức để tiến hành điều tra toàn diện và truy tố nếu có yếu tố cấu thành tội phạm.
Trước đó, do chưa đủ chứng cứ để chứng minh tội phạm trong vụ án trốn thuế và làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan nên Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận 12 quyết định tách vụ án và tạm đình chỉ vụ án.
Nhận thấy các bị cáo có hành vi khai báo quanh co và hành vi phạm tội rất nghiêm trọng nên HĐXX đề nghị VKS, cơ quan điều tra thay đổi biện pháp ngăn chặn của các bị cáo từ cấm rời khỏi nơi cư trú thành tạm giam.
Từ đó, HĐXX quyết định trả hồ sơ vụ án để điều tra bổ sung.
Thiệt hại tăng theo ngày
Theo Công văn 103 của Chi cục Thuế quận 12 ban hành ngày 14/1/2020, tính đến ngày 10/1/2020, tổng số tiền thuế, tiền chậm nộp cần truy thu của ông Bùi Minh Hải là hơn 12,5 tỷ đồng. Tại phiên tòa, đại diện Chi cục Thuế cho biết số tiền trên sẽ tiếp tục tăng lên vì tiền chậm nộp được tính theo ngày.