Nguy cơ bị chiếm quyền điều khiển điện thoại khi cài đặt phần mềm Dịch vụ công “giả mạo”
Công an thành phố Hà Nội cho biết, nếu cài đặt phần mềm giả mạo, có nguy cơ sẽ bị chiếm quyền điều khiển toàn bộ điện thoại. Các tin nhắn, cuộc gọi đến máy điện thoại của nạn nhân sẽ được ứng dụng kiểm soát, ngầm chuyển về máy chủ do đối tượng quản lý, không hiển thị trên điện thoại của nạn nhân...
Thủ đoạn của các đối tượng là giả danh Cảnh sát khu vực hoặc Đội Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an các đơn vị gọi điện cho người dân thông báo Căn cước công dân bị lỗi trên hệ thống hoặc cần phải cập nhật dữ liệu dân cư, mã định danh, rồi yêu cầu người dân đến cơ quan Công an để khắc phục.
Các đối tượng sẽ thúc ép với lý do cần hoàn thiện gấp hồ sơ để yêu cầu người dân tải phần mềm Dịch vụ công “giả mạo” theo đường dẫn của đối tượng cung cấp. Khi cài đặt phần mềm giả mạo này, các đối tượng sẽ chiếm quyền điều khiển điện thoại, thực hiện việc chuyển tiền từ thông tin tài khoản ngân hàng và các ứng dụng thanh toán được lưu trên điện thoại.
Mới đây, một người phụ nữ trú tại quận Tây Hồ cũng đã bị sập bẫy của các đối tượng với thủ đoạn như trên. Theo đó, vào ngày 14/5/2024, Công an quận Tây Hồ tiếp nhận đơn trình báo của chị L (SN: 1979; trú tại Tây Hồ, Hà Nội) về việc bị mất hơn 2 tỷ đồng trong tài khoản.
Chị L cho biết có “nhận được cuộc gọi của một đối tượng tự xưng là cán bộ Công an, yêu cầu khai báo thông tin cá nhân qua cổng Dịch vụ công”. Sau đó, đối tượng gửi cho đường link cài đặt phần mềm Dịch vụ công “giả mạo”. Khi cài đặt xong thì điện thoại bị treo. Nghi ngờ có dấu hiệu lừa đảo, nạn nhân đã ra ngân hàng để kiểm tra thì phát hiện tài khoản bị mất hơn 2 tỷ đồng.
Trước đó, một người đàn ông, trú tại quận Hà Đông, cũng đã bị sập bẫy của các đối tượng với thủ đoạn như trên. Cụ thể vào ngày 07/5/2024, Công an quận Hà Đông tiếp nhận đơn trình báo của anh T (SN: 1980; trú tại Tây Hồ, Hà Nội) về việc bị mất 450 triệu đồng trong tài khoản. Anh T cho biết có “nhận được cuộc gọi của một đối tượng tự xưng là cán bộ Công an quận Hà Đông, thông báo đang điều tra vụ án liên quan đến anh T.
Đối tượng yêu cầu anh khai báo online qua cổng Dịch vụ công. Sau đó, đối tượng gửi cho đường link cài đặt phần mềm Dịch vụ công “giả mạo”. Khi cài đặt xong, anh T phát hiện tài khoản ngân hàng bị mất 450 triệu đồng.
Tuyệt đối không cài đặt các phần mềm, ứng dụng theo yêu cầu của người lạ
Để phòng tránh lừa đảo, Công an thành phố Hà Nội đề nghị người dân cảnh giác khi nhận các cuộc gọi điện thoại từ người lạ, tự xưng là cán bộ Công an để thông báo, yêu cầu bổ sung, cung cấp thông tin dữ liệu dân cư qua điện thoại. Tuyệt đối không cài đặt các phần mềm, ứng dụng theo yêu cầu của các đối tượng.
Nếu cài đặt phần mềm giả mạo, có nguy cơ sẽ bị chiếm quyền điều khiển toàn bộ điện thoại. Các tin nhắn, cuộc gọi đến máy điện thoại của nạn nhân sẽ được ứng dụng kiểm soát, ngầm chuyển về máy chủ do đối tượng quản lý, không hiển thị trên điện thoại của nạn nhân.
Nguy hiểm hơn, các đối tượng chiếm quyền điều khiển điện thoại di động từ xa, sau đó truy cập vào tài khoản, chuyển tiền của bị hại. Khi gặp các trường hợp có dấu hiệu lừa đảo, người dân cần kịp thời trình báo cơ quan Công an để ngăn chặn và xử lý theo quy định của pháp luật.