Gỡ "nút thắt" phát triển nguồn nhân lực IT
Thực tế cho thấy, các doanh nghiệp đang đối mặt với nhiều thách thức khi đào tạo và phát triển đội ngũ IT.
Tại Hội thảo Đào tạo Lập trình 2022 do CodeGym, Học viện Agile, Học với chuyên gia và IT phối hợp tổ chức, các chuyên gia cùng các nhà quản lý, giảng viên, L&D manager, HR.. đã cùng tham gia vào những phiên tham luận, tọa đàm để tìm ra cách duy trì lợi thế cạnh tranh thông qua phát triển nguồn nhân lực IT; đưa ra giải pháp đối phó với thách thức trong đào tạo nhân sự và những bài học kinh nghiệm thực tế đã và đang triển khai tại các đơn vị.
Theo đó, việc xây dựng được đội ngũ lập trình viên có năng lực tốt là chìa khóa giúp doanh nghiệp hoạt động hiệu quả và phát triển mạnh mẽ. Tuy nhiên, phần lớn các nhà quản lý và doanh nghiệp hiện nay đều đang phải loay hoay với bài toán hóc búa này, từ khâu thiết kế chương trình đào tạo cho tới thực thi và đánh giá.
Về phía cung, các Trung tâm đào tạo lập trình, Trường Đại học/Cao đẳng ngành CNTT, đều đang trăn trở tự xây dựng các chương trình đào tạo đáp ứng đầu vào khắt khe của doanh nghiệp; đồng thời phải tìm cách cải tiến các nội dung mới khi đối mặt với sự thay đổi của xu hướng công nghệ, cùng sự cạnh tranh gay gắt từ thị trường.
Trong khi đó, về phía cầu, doanh nghiệp phần mềm, người sử dụng nhân sự IT sau tốt nghiệp cũng đang đối mặt với nhiều thách thức khi đào tạo và phát triển đội ngũ này. Không có mô hình, không có phương pháp, không kiểm soát, đánh giá được, dẫn tới hao tốn nguồn lực mà không hiệu quả. Đây là tình trạng thực tế của nhiều đơn vị phần mềm hiện nay.
Các diễn giả trao đổi tại phiên tọa đàm
Từ kinh nghiệm triển khai thực tế tại CodeGym, ông Nguyễn Khắc Nhật - CEO CodeGym nhấn mạnh vào các quan điểm: thiết kế chương trình đào tạo là một chuyên môn, đòi hỏi những năng lực chuyên nghiệp. Đồng thời nên xác định rõ chương trình đào tạo và giải pháp đào tạo; có tư duy hướng dịch vụ khi thiết kế chương trình...
Mặt khác, từ góc độ người làm L&D tại các doanh nghiệp phần mềm, theo bà Nguyễn Thị Thu Hương - L&D Manager VMO chia sẻ, "Mỗi nhân sự khi tham gia vào doanh nghiệp có năng lực khác nhau, kỳ vọng khác nhau, chính vì vậy, việc linh hoạt và cá nhân hóa trong quá trình đào tạo là cần thiết để tiết kiệm thời gian, chi phí và tăng hiệu quả".
Theo chị Trần Diệu Linh, L&D Team Leader tại Cốc cốc, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực là hoạt động đem lại giá trị với cả doanh nghiệp và người lao động. Các doanh nghiệp, đặc biệt là trong lĩnh vực IT, đào tạo là hoạt động đầu tư giúp kiến tạo, đảm bảo sự ổn định và phát triển nguồn nhân lực chất lượng, dồi dào.
Đồng thời, bà Linh cũng chỉ ra nguồn nhân lực mạnh cũng giúp tạo lợi thế cạnh tranh, là nhân tố quyết định sự thành bại khi thực thi bất cứ chiến lược nào của doanh nghiệp. Về phía người lao động, chương trình đào tạo và phát triển nhân sự bài bản cũng giúp nhân sự đáp ứng yêu cầu công việc, đồng thời, chủ động trong việc lập kế hoạch phát triển sự nghiệp rõ ràng, chuẩn bị các yếu tố cần thiết để có những bước tiến thành công trong sự nghiệp.