Cần luật hóa quy định cấm mua bán, cầm cố sổ bảo hiểm xã hội
Cần lấy căn cứ đóng BHXH ít nhất bằng 70% tổng tiền lương và khoản thu nhập khác, đồng thời bổ sung nghiêm cấm hành vi cầm cố, mua bán sổ BHXH để tránh ảnh hưởng quyền lợi người lao động…
Thời gian qua một số người lên mạng đăng thông tin gom sổ BHXH. Ảnh: V.Long
Đề xuất cấm mua bán sổ BHXH
Theo đó, Bảo hiểm xã hội, Sở Lao động Thương binh và Xã hội nhiều địa phương đề xuất cấm mua bán sổ bảo hiểm xã hội (BHXH), mượn giấy tờ người khác để đóng bảo hiểm. Cụ thể, sổ BHXH là giấy tờ ghi nhận quá trình tham gia BHXH của người lao động làm cơ sở để giải quyết các chế độ. Đây không phải là tài sản nên theo Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) không được phép mua bán, cầm cố sổ BHXH.
Tuy nhiên, theo đánh giá của Bảo hiểm xã hội TP Hà Nội, Sở Lao động Thương binh và Xã hội TP Đà Nẵng, Hưng Yên, Thái Bình, quy định cho phép ủy quyền nhận lương hưu, trợ cấp BHXH hiện nay khiến nhiều kẻ gian lợi dụng lôi kéo lao động mua bán sổ BHXH kèm giấy ủy quyền nhận trợ cấp để rút khoản một lần, hưởng chênh lệch.
Tại nhiều địa phương có khu công nghiệp lớn, tập trung đông lao động như TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai, công nhân rao bán sổ bảo hiểm dưới hình thức ủy quyền, cam kết không đi làm và nếu hủy kèo rút lại sổ sẽ phải đền tiền gấp đôi. Giá thu gom, mua bán, cầm cố sổ BHXH chỉ bằng 30-50% so với giá trị được thanh toán BHXH một lần.
Tình trạng này kéo dài khiến lao động mất quyền lợi, dễ sa vào tín dụng đen và nảy sinh tranh chấp gây mất trật tự xã hội. Điển hình như con số từ Sở Lao động Thương binh và Xã hội Thái Bình thống kê giai đoạn 2020-2022 có trên 85.000 trường hợp thu gom kiểu này, trong đó có người gom đến 227 sổ BHXH.
Để ngăn chặn trục lợi chính sách, đảm bảo quyền lợi người lao động cũng như rõ ràng trong chính sách, cơ quan Bảo hiểm xã hội, Sở Lao động Thương binh và Xã hội một số tỉnh đề nghị dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi bổ sung quy định cấm mua bán, cầm cố sổ BHXH cũng như mượn hồ sơ của người khác. Điều 7 dự luật đưa 8 hành vi nghiêm cấm, song không có hành vi mua bán sổ.
Người lao động đến làm hồ sơ, thủ tục tại BHXH TP.HCM. Ảnh minh họa
Khó tách bạch các loại phụ cấp
Theo thông tin mới nhất từ Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết, tại dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi, bộ này đã đề xuất 2 phương án tiền lương làm căn cứ tính đóng BHXH hàng tháng, áp dụng với lao động khu vực doanh nghiệp trả lương tối thiểu vùng.
Phương án 1 giữ nguyên quy định hiện hành gồm mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác được xác định bằng mức tiền cụ thể ghi trong hợp đồng lao động; Phương án 2 đề xuất khoản tính đóng BHXH gồm mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung theo quy định của Bộ luật Lao động. Theo cách này, tiền tính đóng là tổng các khoản ghi trong hợp đồng lao động và biến động trong quá trình làm việc của người lao động. Mục đích là nâng mặt bằng lương đóng BHXH để hưởng mức lương hưu cao.
Góp ý cho dự thảo, đại diện Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội cho biết, để khắc phục tình trạng trốn đóng, đóng không đủ BHXH, ảnh hưởng đến khả năng cân đối Quỹ Bảo hiểm xã hội và đảm bảo quyền lợi người lao động, cần sửa khoản tính đóng BHXH bằng ít nhất 70% tổng tiền lương và các khoản thu nhập khác có tính chất lương của người lao động.
Nếu mỗi tháng người lao động có tổng thu nhập 10 triệu đồng bao gồm tiền lương và các khoản phụ cấp có tính chất như lương thì căn cứ tính đóng BHXH sẽ ít nhất là 7 triệu (70%); người lao động trích đóng 8%, doanh nghiệp đóng 14% của 7 triệu đồng vào quỹ hưu trí tử tuất.
Thực tế, Bảo hiểm xã hội Hà Nội và TPHCM sau thanh tra chuyên ngành đã phát hiện một số đơn vị kê khai một số khoản bổ sung nằm ngoài mức lương tính đóng BHXH. Đây là khoản doanh nghiệp tự thỏa thuận với lao động khi tuyển dụng và không được ghi trong hợp đồng.
Đơn cử có doanh nghiệp qua thư mời làm việc thỏa thuận với lao động tiền lương tháng là 22 triệu đồng. Song hợp đồng chính thức chỉ có khoản lương theo chức danh 4,75 triệu đồng, mức này được dùng tính đóng BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp. Còn lại 17,25 triệu đồng được trả vào kỳ lương hàng tháng nhưng không được đóng BHXH. Cơ quan quản lý rất khó thu bởi khoản này chưa nằm trong hướng dẫn.
Đáng chú ý, trả lời TTXVN mới đây, đại diện Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cũng chỉ ra trong doanh nghiệp luôn tồn tại 3 loại thu nhập của người lao động: Loại làm căn cứ đóng BHXH, loại để quyết toán và loại trả cho người lao động. Thu nhập làm căn cứ đóng BHXH luôn ở mức thấp nhất, chỉ bằng lương tối thiểu vùng cộng 7% với lao động qua đào tạo nghề và thêm 5-7% với người làm nghề nặng nhọc, nguy hiểm.
Do đó, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cho rằng, luật hiện hành khó tách bạch các loại phụ cấp cũng như khoản bổ sung khác để tính đóng BHXH. Hiện chỉ doanh nghiệp nhà nước có thang bảng lương, phụ cấp rõ ràng. Còn doanh nghiệp trả lương tối thiểu vùng có cách xây dựng thang bảng lương, phụ cấp, mức tiền khác nhau. Có công ty trưng đến 100 loại phụ cấp lẫn phúc lợi và hầu như không có khoản nào tính đóng BHXH được.