A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Bệnh nhân ung thư, bệnh hiếm không còn khổ vì chuyển tuyến

Người mắc bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo lên thẳng tuyến trên vẫn được 100% mức hưởng bảo hiểm y tế. Đây được coi là chính sách đáng chú ý nhất trong Thông tư số 01/2025/TT-BYT có hiệu lực từ ngày 1.1.2025 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm y tế.

Bệnh nhân ung thư, bệnh hiếm không còn khổ vì chuyển tuyến

Bác sĩ Bệnh viện K thăm khám cho bệnh nhân. Ảnh: Thùy Linh

Chấm dứt việc người bệnh ung thư, bệnh hiếm vất vả đi xin giấy chuyển tuyến

Bà Trần Thị Trang, Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm y tế, cho biết, Thông tư 01 quy định một số bệnh hiếm, hiểm nghèo, bệnh cần phẫu thuật hoặc kỹ thuật cao sẽ được hưởng 100% bảo hiểm y tế khi lên thẳng cơ sở y tế chuyên sâu mà không cần phiếu chuyển tuyến. Thông tư cũng ban hành danh mục 62 bệnh được khám tại cơ sở chuyên sâu, 167 bệnh tại cơ sở cơ bản và 141 bệnh được chuyển tuyến trong vòng 1 năm.

Bà Trang nhấn mạnh, quy định này có ý nghĩa quan trọng trong việc nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, giúp người bệnh tiếp cận và điều trị kịp thời các bệnh cần chuyên môn sâu mà cơ sở y tế cấp dưới chưa đủ điều kiện. Nó cũng giảm thủ tục chuyển tuyến, chi phí di chuyển, vận chuyển bệnh nhân, và các chi phí khác, giúp tiết kiệm chi phí cho bệnh nhân và gia đình, đồng thời sử dụng hiệu quả quỹ bảo hiểm y tế.

Ngay khi Thông tư này có hiệu lực vào ngày 1.1.2025, chỉ riêng tại Bệnh viện K - tuyến cuối về điều trị ung thư của cả nước, đã có hơn 20.000 người bệnh ung thư không phải xin giấy chuyển tuyến của năm mới.

"Chúng tôi quá mừng, vì mỗi lần xin giấy chuyển tuyến từ cơ sở y tế tuyến tỉnh lên Bệnh viện K, chúng tôi lại mất hẳn 1 ngày quay trở về quê, làm thủ tục chuyển tuyến. Có khi xin mãi mới được" - bệnh nhân Nguyễn Văn Kiên (56 tuổi, Ninh Bình - tên nhân vật đã được thay đổi), mắc ung thư đại tràng, đang điều trị tại Bệnh viện K Tân Triều chia sẻ.

Tại giường bên cạnh, người bệnh Phạm Tiến Long (46 tuổi, Thanh Hóa - tên nhân vật đã được thay đổi) cũng cho biết: "Thực sự việc xin giấy chuyển tuyến là nỗi ám ảnh của những người bệnh ung thư như chúng tôi, vừa mất thời gian, tiền bạc. Từ nay, chúng tôi có thể yên tâm chữa bệnh ở tuyến cuối".

Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn đánh giá đây là "hiệu quả ngay tức thì", giúp người bệnh được hưởng lợi từ các quy định về thanh toán bảo hiểm y tế mới. Đây là văn bản quan trọng hướng dẫn việc đăng ký khám bệnh, chữa bệnh BHYT ban đầu và chuyển cơ sở khám bệnh, chữa bệnh BHYT cho trên 13.000 cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên cả nước, tạo hành lang pháp lý đồng bộ để triển khai hiệu quả chính sách BHYT trong giai đoạn mới.

Lo quá tải tại bệnh viện tuyến cuối

Khi triển khai Thông tư 01, cũng còn nhiều vấn đề phát sinh tại các cơ sở y tế. Đại diện Bệnh viện Bạch Mai cho biết, trong 62 danh mục bệnh có chia ra mục tình trạng và điều kiện, nhiều loại bệnh không ghi điều kiện và tình trạng bệnh thì sẽ được thực hiện như thế nào.

Chia sẻ về các khó khăn có thể xảy ra khi triển khai thông tư, đại diện Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho rằng: "Chúng tôi lo lắng vấn đề quá tải khi triển khai Thông tư. Vấn đề áp trần của bảo hiểm y tế cũng cần phải quy định cụ thể để tránh gây khó khăn cho các cơ sở y tế. Hơn nữa, hiện nay năng lực chẩn đoán tại các cơ sở y tế tuyến dưới nhiều nơi chưa đáp ứng, chưa phát hiện ra bệnh cho người dân nhưng khi lên đến tuyến cuối, sau khi được chẩn đoán chuyên sâu, người bệnh lại được phát hiện các bệnh thông thường khác, thì cũng nên được chấp nhận thanh toán bảo hiểm y tế khi điều trị các bệnh đó. Còn nếu như lại chuyển ngược trở lại tuyến dưới thì sẽ rất phiền hà cho bệnh nhân".

Về những băn khoăn của các bệnh viện, Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm Y tế Trần Thị Trang cho biết, toàn bộ nhóm bệnh ung thư, với khoảng hơn 1.000 mã bệnh sẽ được chẩn đoán ban đầu ở bệnh viện tuyến tỉnh, nếu cho hết 1.000 mã bệnh này lên trên thì chắc chắn quá tải.

"Qua rà soát các cơ sở y tế tuyến tỉnh, chúng tôi phân loại các bệnh ung thư cụ thể mà bệnh viện tuyến dưới toàn quốc gần như không có khả năng chẩn đoán, sẽ được đi thẳng lên tuyến trên như u ác ở tụy, u ác ở phổi, màng não... Còn lại để tuyến tỉnh chẩn đoán xác định, đây là phân luồng về chuyên môn" - bà Trang phân tích.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết