Rừng phòng hộ Bắc Nghệ An kêu cứu
Mặc dù đã được quy hoạch là rừng phòng hộ nhưng tình trạng trồng cây nông nghiệp, xây dựng nhà trại, chuồng trại chăn nuôi và tự ý khai thác tại rừng trồng phòng hộ Bắc Nghệ An đang vô cùng phức tạp.
“Khoanh” cả đất của dân vào rừng phòng hộ
Theo Ban Quản lý rừng phòng hộ (QLRPH) Bắc Nghệ An, tổng diện tích rừng và đất lâm nghiệp được UBND tỉnh Nghệ An giao quản lý theo các quyết định phê duyệt đề án thành lập Ban là 6.946 ha. Trong đó, rừng sản xuất là 1583 ha; rừng phòng hộ là 5.362 ha.
Sau khi tiến hành chuyển đổi loại rừng, tiếp tục thu hồi, trả về địa phương quản lý..., diện tích rừng và đất lâm nghiệp hiện đơn vị đang quản lý là 6.441 ha. Trong đó, rừng sản xuất 1.582 ha; rừng phòng hộ 4.858 ha, nằm trên địa bàn 24 xã, phường, thị trấn thuộc TX. Hoàng Mai và huyện Quỳnh Lưu.
Tuy nhiên, qua kiểm tra, rà soát hiện diện tích rừng phòng hộ được giao quản lý chưa được cắm mốc, đo đạc lập hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Trước khi thành lập, cơ quan có thẩm quyền chưa tiến hành thu hồi xử lý tài sản trên đất để giao cho Ban QLRPH Bắc Nghệ An. Công tác quản lý rừng và đất lâm nghiệp của đơn vị chỉ trên cơ sở ranh giới theo số liệu, bản đồ rà soát điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng được phê duyệt năm 2014.
Về nguồn gốc sử dụng đất trước đó, nhiều hộ đã được các cơ quan nhà nước giao đất, giao khoán bảo vệ rừng tự nhiên, nhận khoán thực hiện các dự án trồng rừng, thầu khoán với UBND xã hoặc người dân tự khai hoang và sử dụng từ trước khi thành lập đơn vị. Ngoài ra, tại đây, cũng có khoảng 33 ha đất thổ cư bị quy hoạch vào rừng phòng hộ.
Bà Nguyễn Thị Trung ở xóm 4, xã Quỳnh Tân, huyện Quỳnh Lưu cho biết, gia đình bà canh tác trên thửa đất của bố mẹ từ năm 1982. Bỗng một ngày, bà được thông báo đất sản xuất của bà thuộc vào đất rừng phòng hộ của Ban QLRPH Bắc Nghệ An. Mấy năm nay, bà có ý định xây một căn nhà tạm nhưng bị cấm do diện tích này bị quy hoạch vào rừng phòng hộ hơn 10 năm.
Nhiều công trình “mọc” trong rừng phòng hộ
Trước khi thành lập Ban QLRPH Bắc Nghệ An, từ nhiều năm trước đã xảy ra tình trạng trồng cây nông nghiệp, xây dựng nhà trại, chuồng trại chăn nuôi và tự ý khai thác rừng trồng phòng hộ trên đất đã quy hoạch.... Thống kê đã có 35 nhà trại, chuồng chăn nuôi lớn nhỏ xây dựng trái phép trên đất rừng phòng hộ. Trong đó, chủ yếu là được làm tạm bợ có diện tích nhỏ từ 6m đến 15m. Ngoài ra, vẫn có trại kiên cố với các công trình: nhà ở, chuồng chăn nuôi, lò than, nhà xưởng, lò gạch.
Trước tình trạng này, Ban QLRPH Bắc Nghệ An đã phối hợp với ban, ngành cấp huyện và các xã tổ chức làm việc với hộ gia đình vận động các hộ không cơi nới, xây mới, mở rộng quy mô, tiến hành chủ động tự tháo dỡ các công trình nhà ở và chuồng trại.
Kiến nghị UBND huyện Quỳnh Lưu và điện lực ngưng cung cấp điện lưới phục vụ sản xuất, sinh hoạt của một số trang trại và nhà trại. Đến nay, không có trường hợp xây mới, mở rộng và có 18 nhà trại có diện tích nhỏ đã bỏ hoang không sử dụng. Đối với trường hợp chuồng trại, nhà trại xây dựng sau thời điểm thành lập. Đơn vị đã phối hợp với ban, ngành liên quan xử lý theo quy định pháp luật.
Theo lãnh đạo đơn vị này cho biết, vừa qua, xảy ra 4 vụ vi phạm xây dựng công trình và đào bới, san lấp trên đất thuộc quy hoạch rừng phòng hộ đã được xử lý. Ngoài ra, tại đây, cũng có hơn 33 ha đất thổ cư bị quy hoạch vào rừng phòng hộ, Ban QLRPH Bắc Nghệ An cũng đã phối hợp chính quyền các cấp rà soát, bóc tách và đề xuất cơ quan thẩm quyền đưa ra khỏi quy hoạch rừng phòng hộ.
Cây nông nghiệp “thâm canh” trên rừng phòng hộ
Được biết, trên diện tích rừng phòng hộ tại các xã: Quỳnh Tân, Quỳnh Thắng, Quỳnh Trang, Tân Thắng (huyện Quỳnh Lưu) đến năm 2019, đã có trên 260 ha trước đây bị người dân chuyển đổi trồng cây nông nghiệp.
Đầu năm 2022, xảy ra tình trạng các hộ dân tự ý khai thác rừng phòng hộ là rừng trồng bằng nguồn vốn của dân trên đất lâm nghiệp thuộc quy hoạch rừng phòng hộ tại các xã: Quỳnh Tân, Quỳnh Thắng, Tân Thắng (huyện Quỳnh Lưu). Đơn vị đã lập biên bản, báo cáo với cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định. Tuy nhiên, việc xử lý các trường hợp khai thác trên gặp khó do quy định chế tài xử phạt chưa rõ nên đơn vị vận động nhân dân thực hiện việc ký kết hợp đồng trồng rừng để quản lý theo quy chế quản lý rừng phòng hộ.
Ban QLRPH Bắc Nghệ An còn rà soát và vận động các hộ dân nhận khoán trồng lại rừng đối với diện tích đang trồng cây nông nghiệp. Đến nay, đã có gần 100 ha đất đã được người dân trồng những cây có chức năng phòng hộ. Diện tích còn lại đơn vị đang tiến hành từng bước ký kết hợp đồng khoán trồng rừng để quản lý theo quy chế quản lý rừng phòng hộ.
Trao đổi với báo chí, ông Trần Văn Sơn, Trưởng Ban QLRPH Bắc Nghệ An cho biết, để tháo gỡ vướng mắc, đơn vị đã tiến hành làm việc với các cơ quan chức năng trên địa bàn và phân công thêm cán bộ để kiểm tra, ngăn chặn các hành vi vi phạm về quản lý, bảo vệ rừng; vận động nhân dân trên địa bàn thực hiện việc quản lý sử dụng rừng theo quy chế quản lý rừng phòng hộ.
Theo một lãnh đạo Sở NN&PTNT tỉnh Nghệ An cho biết, những tồn tại trên đất rừng phòng hộ thuộc Ban QLRPH Bắc Nghệ An cần thời gian để tháo gỡ. Sở NN&PTNT vừa có báo cáo để xin ý kiến chỉ đạo của Bộ NN&PTNT để có hướng xử lý tiếp theo.