Nghệ thuật Lân, sư, rồng trở thành Di sản văn hoá phi vật thể quốc gia
Sở Văn hóa và Thể thao TP Hồ Chí Minh vừa tổ chức Lễ công bố quyết định của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa Nghệ thuật Lân, sư, rồng của người Hoa ở TP Hồ Chí Minh vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; đồng thời công bố quyết định của Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh công nhận xếp hạng 7 di tích lịch sử - văn hóa.
Tại buổi lễ, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Nguyễn Minh Nhựt cho biết: Lân, sư, rồng là hình thức nghệ thuật trình diễn đặc trưng của người Hoa tại TP Hồ Chí Minh, phản ánh hiện thực đời sống của cộng đồng người Hoa, thể hiện nhiều giá trị tinh thần, nghệ thuật, giáo dục và văn hóa.
Việc Nghệ thuật Lân, sư, rồng được đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia thể hiện sự đa dạng các loại hình Di sản văn hóa phi vật thể tại TP Hồ Chí Minh.
Ông Nguyễn Minh Nhựt cũng thông tin, TP Hồ Chí Minh đến nay đã có có nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ và Ca trù được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Thành phố cũng có 5 Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, bao gồm: Lễ hội Nghinh Ông huyện Cần Giờ; Tết Nguyên tiêu của người Hoa - Quận 5; Lễ hội Khai hạ - Cầu an tại Lăng Lê Văn Duyệt; Vovinam - Việt Võ đạo và Nghệ thuật Lân, sư, rồng.
Nghệ thuật Lân, sư, rồng của TP Hồ Chí Minh trở thành di sản văn hoá phi vật thể quốc gia (Ảnh minh họa) |
Tại chương trình, Sở Văn hóa và Thể thao TP Hồ Chí Minh cũng công bố thêm 7 công trình, địa điểm được công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa cấp thành phố.
Trong đó, 3 di tích là đình làng trên địa bàn TP Thủ Đức, gồm: Đình thần Long Bình, đình thần Long Hòa, đình thần An Khánh.
4 di tích kiến trúc nghệ thuật, gồm: Trường Đại học Sài Gòn (Quận 5), đền Bà Mariamman (Quận 1), trường THPT Trưng Vương (Quận 1), chợ Tân Định (Quận 1).
Với 7 công trình, địa điểm được công nhận lần này, tổng số Di tích lịch sử - văn hóa của TP Hồ Chí Minh lên đến 200 di tích.
Sau buổi lễ, Liên đoàn Lân, sư, rồng TP Hồ Chí Minh cùng các quận, huyện liên quan sẽ xây dựng kế hoạch bảo tồn và phát huy di sản nghệ thuật, kết hợp phát triển du lịch, quảng bá hình ảnh TP Hồ Chí Minh.
Cùng với đó, các địa phương có di tích được xếp hạng cũng sẽ xây dựng đề án bảo tồn, phát huy giá trị di sản, đẩy mạnh tuyên truyền đến cộng đồng, đặc biệt là thế hệ trẻ, nhằm nâng cao nhận thức về trách nhiệm gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.