Đề nghị không áp dụng quy định Giấy phép phân loại phim với phim xuất khẩu
Xoay quanh góp ý về Dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi), VCCI đề nghị, không áp dụng quy định Giấy phép phân loại phim với phim xuất khẩu và phim tham dự liên hoan phim…
Theo đó, cũng tại trả lời Công văn số 544/UBVHGD15 ngày 17/02/2022 của Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội về việc đề nghị góp ý Dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) (Dự thảo), bên cạnh góp ý về một số quy định chưa rõ rang, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đề nghị, không áp dụng quy định Giấy phép phân loại phim với phim xuất khẩu và phim tham dự liên hoan phim…
VCCI đề nghị không áp dụng quy định Giấy phép phân loại phim với phim xuất khẩu và phim tham dự liên hoan phim - Ảnh minh họa
Cụ thể, về “Phổ biến phim trên không gian mạng”, Điều 21 Dự thảo quy định về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân phổ biến phim trên không gian mạng.
Theo VCCI, quy định này cần phải xem xét ở các điểm: Thứ nhất, Điều 21.1.đ Dự thảo yêu cầu doanh nghiệp phải dừng cung cấp dịch vụ khi có yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền do cung cấp nội dung vi phạm. Quy định này có thể dẫn đến cách hiểu doanh nghiệp phải dừng toàn bộ dịch vụ (chẳng hạn: dịch vụ truyền hình OTT, hoặc dịch vụ xem video). Nếu đúng như vậy, quy định này chưa phù hợp.
Thực tế, nội dung vi phạm đã bị gỡ khi có yêu cầu của cơ quan Nhà nước (theo Điều 21.1.d), nên việc dừng dịch vụ sẽ không giải quyết được vấn đề, trong khi lại gây thiệt hại rất lớn cho cả doanh nghiệp và người tiêu dùng. Do vậy, VCCI đề nghị bỏ quy định này.
Thứ hai, Điều 21.1.d Dự thảo yêu cầu doanh nghiệp gỡ phim vi phạm ngay khi có yêu cầu của cơ quan nhà nước. Quy định này dường như chưa khả thi, bởi khoảng thời gian này quá ngắn để doanh nghiệp có thể tiếp nhận thông tin và xử lý.
Theo VCCI, kinh nghiệm từ các lĩnh vực khác khi quản lý trên không gian mạng, cơ quan quản lý thường cho phép doanh nghiệp một khoảng thời gian hợp lý để xử lý nội dung vi phạm, chẳng hạn Luật An ninh mạng cho phép 24h (Điều 26.1.b), Nghị định 27/2018/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 72/2013/NĐ-CP cho phép 03h (Điều 1.11).
Do vậy, VCCI, đề nghị điều chỉnh lại thời hạn xử lý cho phù hợp.
Thứ ba, Điều 21.2 Dự thảo yêu cầu các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ hạ tầng trên không gian mạng ngăn chặn, gỡ bỏ phim vi phạm.
“Tuy nhiên, không rõ các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ hạ tầng trên không gian mạng là doanh nghiệp nào (doanh nghiệp viễn thông hay các doanh nghiệp nào khác)? Hơn nữa, các doanh nghiệp hạ tầng chỉ có thể ngăn chặn việc truy cập với dịch vụ, ứng dụng vi phạm chứ không có khả năng ngăn chặn, gỡ bỏ cụ thể phim vi phạm. Do vậy, đề nghị bổ sung, sửa đổi làm rõ nội dung này”, VCCI góp ý.
Ảnh minh họa
Bên cạnh đó, về “Giấy phép phân loại phim”, Dự thảo đưa ra quy định về Giấy phép phân loại phim.
VCCI cho rằng, quy định này được suy đoán nhằm thay thế cho quy định về Giấy phép phổ biến phim tại Luật Điện ảnh 2006 và các phiên bản trước của Dự thảo. Tuy nhiên, các quy định về đối tượng áp dụng của Giấy phép phân loại phim dường như chưa rõ ràng về bản chất và mục tiêu quản lý của Giấy phép này.
Giấy phép phân loại phim dự kiến áp dụng chung cho 3 nhóm đối tượng: Nhóm 1 - Phim phổ biến trong nước: phim chiếu rạp (Điều 19), chiếu công cộng (Điều 22); Nhóm 2 - Phim xuất khẩu (Điều 17); Nhóm 3 - Phim tham gia liên hoan phim (Điều 40);
Điều 32.1 quy định kết quả của Giấy phép phân loại phim là kết quả phân loại phổ biến theo độ tuổi. Quy định nhằm này có thể được suy đoán nhằm hạn chế việc tiếp cận của khán giả nhỏ tuổi với các cảnh quay không phù hợp với lứa tuổi. Do vậy, việc này là tương đối phù hợp với các phim phổ biến trong nước (nhóm 1).
Theo VCCI, với mục tiêu quản lý như vậy, thật khó hiểu tại sao lại áp dụng quy định này với các nhóm đối tượng khác, như:
Thứ nhất, việc áp dụng Giấy phép phân loại phim với phim xuất khẩu (nhóm 2) tại Điều 17 Dự thảo là không cần thiết khi việc phân loại phim chỉ nhằm đảm bảo sự phù hợp nội dung phim với độ tuổi khán giả (ở nơi phổ biến phim), do đó, phụ thuộc vào điều kiện xã hội và quy định của từng quốc gia. Khi đó, phim xuất khẩu chỉ cần tuân thủ pháp luật của nước nơi nhập khẩu phim;
Cùng với đó quy định này còn được cho là chưa phù hợp khi sẽ gây ra tình trạng phân biệt đối xử với phim xuất khẩu theo đường truyền thống với phim trên internet. Phim phổ biến trên internet (nền tảng truyền hình trực tuyến OTT, youtube, facebook…) có thể tiếp cận được người xem ở hầu hết các quốc gia trên thế giới. Trường hợp này đã làm lu mờ khái niệm “biên giới” và thực ra cũng là một hình thức “xuất khẩu” phim. Khi đó, rất khó lý giải tại sao phim xuất khẩu theo hình thức truyền thống lại cần kiểm duyệt mạnh mẽ hơn, trong khi phim truyền thống thường có khả năng lan tỏa, tiếp cận ít hơn và khả năng thu hồi (nếu cần) tốt hơn so phim trên internet. Vô hình trung, việc này lại cản trở việc xuất khẩu phim Việt Nam theo con đường chính thống do những phức tạp về mặt thủ tục.
Thứ hai, việc áp dụng Giấy phép phân loại phim với phim tham dự liên hoan phim (Điều 40) là chưa phù hợp. Phim tham dự liên hoan phim thường hướng đến tính nghệ thuật của tác phẩm, và được đánh giá, xem xét dưới góc nhìn của các nhà chuyên môn, thay vì dành cho đại chúng như trường hợp phim phổ biến. Khi đó, việc áp dụng các tiêu chuẩn phân loại phim cho công chúng sẽ trở thành “cái áo chật” với các tác phẩm dự thi.
“Chẳng hạn, việc phân loại phim cũng sẽ kéo theo hệ quả là một số phim phải chấp nhận điều chỉnh, cắt bỏ nội dung (theo Điều 27.4.b Dự thảo) để có thể được phép chiếu hoặc nhận được mức phân loại phim thấp hơn (nhằm thu hút thêm nhiều khán giả). Việc áp dụng chung quy định này cho phim tham dự liên hoan phim sẽ ngăn cản quyền tự do sáng tạo nghệ thuật của tác giả và ảnh hưởng đến yếu tố nghệ thuật của tác phẩm”, VCCI phân tích.
Từ đó, VCCI đề nghị không áp dụng quy định Giấy phép phân loại phim với phim xuất khẩu và phim tham dự liên hoan phim, hay bỏ quy định tại Điều 17.1 và Điều 40.1 Dự thảo.