Ngân hàng "mở kho" cho vay, tín dụng tăng cao nhất 3 năm
Theo Báo cáo Tình hình kinh tế - xã hội tháng 6, quý II và 6 tháng đầu năm 2025 của Bộ Tài chính, tính đến 26/6/2025, dư nợ tín dụng tăng 8,3% so với cuối năm trước, tăng hơn gấp đôi so với mức 3,62% của cùng kỳ năm 2024.
Trả lời báo chí tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ vào chiều 3/7/2025, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Phạm Thanh Hà cho biết, dư nợ toàn hệ thống đạt trên 16,9 triệu tỷ đồng, là mức tăng trưởng cao nhất từ năm 2023 trở lại đây.
Phó Thống đốc Phạm Thanh Hà trả lời báo chí tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ.
Nhưng dù tăng trưởng mạnh, cơ cấu tín dụng phù hợp với cơ cấu của nền kinh tế và đáp ứng nhu cầu tín dụng của người dân, doanh nghiệp.
Cơ cấu tín dụng của ngành nông, lâm, thủy sản chiếm khoảng 6,37%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm khoảng 12,84%; ngành xây dựng chiếm 7,53%; các ngành dịch vụ khác như bán buôn, bán lẻ chiếm tỷ trọng khoảng 23,74%.
Các lĩnh vực ưu tiên như nông nghiệp, nông thôn (chiếm 23,16%) và doanh nghiệp nhỏ và vừa (chiếm 17,51%) tiếp tục nhận được sự hỗ trợ mạnh mẽ.
Về tốc độ, hai lĩnh vực ưu tiên là lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ và doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao đều có tốc độ tăng trưởng rất cao, gần gấp đôi so với tốc độ chung, khi lần lượt đạt 15,69% và 17,59%.
Các tổ chức tín dụng tiếp tục giải ngân cho các chương trình tín dụng theo chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng, như Chương trình tín dụng đối với lĩnh vực lâm thủy sản đã tăng quy mô từ 15.000 tỷ lên đến 100.000 tỷ đồng.
Ngoài ra, các chương trình tín dụng hỗ trợ liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ 1 triệu ha lúa gạo chất lượng cao tại Đồng bằng sông Cửu Long đã được triển khai.
Một số chương trình khác như cho vay nhà ở xã hội, hay cho vay đối với người trẻ dưới 35 tuổi cho thuê, mua nhà ở xã hội, hay chương trình gần đây là tín dụng 500.000 tỷ đồng cho các doanh nghiệp đầu tư hạ tầng, công nghệ số… đã được các tổ chức tín dụng tích cực triển khai.
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, các Bộ: Xây dựng, Khoa học và Công nghệ, Nông nghiệp và Môi trường đã phối hợp chặt chẽ với NHNN để đẩy nhanh tiến độ giải ngân các chương trình này, trong đó Đề án Xây dựng 1 triệu căn nhà ở xã hội được triển khai quyết liệt.
Theo các chuyên gia, sự tăng trưởng tín dụng mạnh mẽ còn được hỗ trợ bởi môi trường lãi suất thấp và ổn định.
Phó Thống đốc Phạm Thanh Hà cho hay, NHNN đã giữ nguyên các mức lãi suất điều hành để duy trì ổn định mặt bằng lãi suất, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thúc đẩy tín dụng. Hiện lãi suất cho vay bình quân các khoản vay mới giảm còn 6,38%/năm, thấp hơn khoảng 0,6% so với cuối năm 2024.
Hơn nữa, các ngân hàng thương mại đã chủ động “may đo” các sản phẩm tín dụng phù hợp với từng phân khúc khách hàng, cũng như cải thiện quy trình, thủ tục và công nghệ để rút ngắn quy trình và thời gian vay vốn.
Phân “luồng” cho dòng vốn hiệu quả
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu, ngành ngân hàng cũng đối mặt với không ít thách thức. Nợ xấu vẫn là mối quan ngại, đòi hỏi các ngân hàng phải tăng cường quản trị rủi ro, gia tăng trích lập dự phòng.
Các ngân hàng thương mại đã chủ động “may đo” sản phẩm tín dụng phù hợp. Ảnh: ST
Nhìn về chặng đường 6 tháng cuối năm, Báo cáo của Bộ Tài chính đề nghị NHNN tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, điều hành tỷ giá và lãi suất một cách hài hòa, hợp lý; đồng thời, chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiếp tục phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất cho vay.
Việc ổn định thị trường ngoại hối, đẩy mạnh xử lý nợ xấu, đẩy nhanh tiến độ xử lý ngân hàng yếu kém và tăng vốn cho các ngân hàng thương mại cũng được nhấn mạnh nhằm củng cố sự an toàn, ổn định của toàn hệ thống.
Đặc biệt, Bộ Tài chính đề nghị NHNN điều hành tăng trưởng tín dụng phù hợp, chỉ đạo các ngân hàng rà soát, phân “luồng” đối tượng để cắt giảm thủ tục, đẩy nhanh vốn tín dụng đối với các lĩnh vực tạo động lực cho tăng trưởng như tăng trưởng xanh và đẩy mạnh cho vay ngắn hạn để hỗ trợ các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi các chính sách thương mại quốc tế.
Cũng về vấn đề này, TS. Đậu Anh Tuấn -Phó Tổng Thư ký, Trưởng ban Pháp chế, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, nguồn vốn nên được khơi thông và thúc đẩy, khuyến khích chảy vào khu vực sản xuất, nơi tạo ra hàng hóa, dịch vụ cụ thể, nơi tạo ra công ăn việc làm cho nhiều người lao động, nơi giúp giải quyết nhiều vấn đề về an sinh xã hội.
Vì thế, TS. Tuấn khuyến nghị, ngân hàng cần được tạo điều kiện để mở rộng tín dụng cho doanh nghiệp có luồng tiền tốt, có lịch sử tuân thủ pháp luật rõ ràng, được đánh giá là có tiềm năng – kể cả khi chưa có tài sản thế chấp.
Ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. Hồ Chí Minh đề xuất Chính phủ cần khuyến khích người dân gửi tiết kiệm dài hạn để ngân hàng có cơ sở cho vay an toàn. Đồng thời, cần phát triển thêm các quỹ đầu tư, thúc đẩy thị trường chứng khoán trở thành kênh vốn hiệu quả, bản thân doanh nghiệp cũng phải tự nâng cao năng lực quản trị để tiếp cận vốn.