Bộ Tư pháp chính thức áp dụng biên lai điện tử trong thi hành án dân sự trên toàn quốc từ tháng 7
Sáng nay (4/7), Bộ Tư pháp chính thức khai trương Hệ thống Biên lai điện tử, đánh dấu bước tiến quan trọng trong ứng dụng công nghệ số và trí tuệ nhân tạo (AI) vào lĩnh vực thi hành án dân sự, thể hiện tinh thần chủ động đổi mới, đẩy mạnh chuyển đổi số toàn diện trong ngành Tư pháp, phù hợp định hướng Nghị quyết số 57-NQ/TW. Chỉ trong tuần vận hành đầu tiên, tính từ ngày 23/6, hệ thống đã ghi nhận gần 3.000 biên lai điện tử được phát hành, tương đương gần 2.000 tỷ đồng thu - nộp.
Chương trình khai trương Hệ thống Biên lai điện tử diễn ra trong khuôn khổ Lễ công bố các quyết định về tổ chức cán bộ hệ thống thi hành án dân sự của Bộ Tư pháp. Tham dự sự kiện có Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh, các Thứ trưởng Bộ Tư pháp, lãnh đạo Cục Quản lý thi hành án dân sự (THADS), đại diện lãnh đạo Tòa án Nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, Bộ Khoa học và Công nghệ, lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp, lãnh đạo các Ban thuộc Cục Quản lý THADS cùng các 34 Trưởng THADS các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
Hệ thống là một trong những phân hệ quan trọng thuộc Nền tảng số Thi hành án dân sự - nền tảng số tập trung dành cho lãnh đạo, công chức THADS, người dân và doanh nghiệp, đang được chủ trì triển khai bởi Cục Quản lý thi hành án dân sự – Bộ Tư pháp. Đặc biệt, việc triển khai hệ thống này là một bước đi cụ thể nhằm thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, hướng tới tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Với việc giảm thiểu thao tác thủ công, rút ngắn thời gian xử lý, hạn chế sai sót và tăng cường quản lý tập trung, hệ thống không chỉ nâng cao hiệu quả nghiệp vụ, tinh gọn bộ máy hoạt động mà còn tạo nền tảng cho một nền hành chính tư pháp hiện đại, chuyên nghiệp, phục vụ người dân, doanh nghiệp một cách nhanh chóng và minh bạch hơn.
Cụ thể, hệ thống Biên lai điện tử góp phần tăng cường tính minh bạch, tốc độ và an toàn và liền mạch dữ liệu trong quản lý tài chính thi hành án thông qua ứng dụng công nghệ AI tiên tiến, hệ thống cho phép số hóa và tự động hóa toàn bộ quy trình tạo lập biên lai – từ quét giấy tờ, trích xuất thông tin tự động bằng công nghệ AI-OCR, phê duyệt bằng chữ ký số, đến cấp số biên lai tự động và lưu trữ tập trung. Nhờ đó, cán bộ thi hành án dân sự có thể dễ dàng quản lý và tra cứu trên hệ thống điện tử thay vì phải xử lý thủ công hồ sơ giấy gây bất cập, tỷ lệ sai sót cao, cùng với sự trợ giúp của các tác nhân AI.
Người dân, doanh nghiệp cũng có thể tra cứu thông tin biên lai mọi lúc, mọi nơi qua cổng điện tử, đảm bảo tính công khai và thuận tiện.thuận tiện hơn. Với lãnh đạo điều hành, hệ thống cho phép báo cáo dữ liệu tức thời theo thời gian thực, hỗ trợ ra quyết định nhanh chóng và nâng cao hiệu quả quản lý.
Với hệ thống Biên lai điện tử được chính thức đưa vào sử dụng trên toàn quốc từ tháng 7 này, các giao dịch nộp – thu tiền đều được kiểm soát và đối soát chặt chẽ trên hệ thống, đảm bảo tuân thủ pháp luật, ngăn ngừa thất thoát và nâng cao uy tín ngành. Hệ thống không chỉ là phần mềm quản lý, mà là nền tảng giúp thay đổi cách thức vận hành toàn ngành thi hành án dân sự, hướng đến một mô hình quản trị hiện đại, minh bạch và lấy người dân làm trung tâm. Trước đó, vào ngày 23/6/2025, Hệ thống Biên lai điện tử đã được vận hành triển khai thí điểm tại TP. Hồ Chí Minh, đánh dấu bước tiến quan trọng trong chuyển đổi số ngành THADS tại một trong những địa phương có khối lượng công việc lớn nhất cả nước.
Năm 2024, hệ thống thi hành án dân sự trên toàn quốc phải thi hành hơn 1 triệu quyết định thi hành án, với tổng số tiền trên 500.000 tỷ đồng và khoảng 10 triệu biên lai giấy được phát hành – những con số càng cho thấy chuyển đổi số là yêu cầu tất yếu đối với lĩnh vực này.
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Mai Lương Khôi nhấn mạnh: Trong mô hình cơ quan Thi hành án dân sự một cấp, chuyển đổi số giữ vai trò then chốt, là nền tảng thúc đẩy hiệu quả và minh bạch trong hoạt động thi hành án. Hệ thống THADS sẽ được vận hành trên cơ sở một nền tảng công nghệ thống nhất, với dữ liệu được kết nối xuyên suốt và các quy trình điện tử được áp dụng đồng bộ.
Trong mô hình mới này, chuyển đổi số giữ vai trò trung tâm, đặc biệt là việc triển khai hệ thống Biên lai điện tử – một giải pháp đột phá thay thế hoàn toàn việc thu nộp tiền mặt và phát hành biên lai giấy truyền thống. Bộ Tư pháp, Cục Quản lý THADS đã phối hợp với Tập đoàn FPT xây dựng hệ thống này với những yêu cầu rõ ràng: biên lai được lập, ký số và phát hành trực tuyến, gửi trực tiếp đến người dân qua email hoặc tin nhắn; dữ liệu được lưu trữ tập trung, cho phép tra cứu, thống kê chính xác; đồng thời nâng cao tính minh bạch trong thu – chi thi hành án, góp phần phòng chống tiêu cực, sai phạm trong quản lý tài chính kế toán nghiệp vụ.
Với giải pháp này, dù người dân hay doanh nghiệp ở bất kỳ đâu, vào bất kỳ thời điểm nào, khoảng cách địa lý không còn là rào cản trong việc nộp tiền thi hành án và nhận chứng từ. Đây là bước tiến lớn trong quá trình xây dựng nền hành chính công khai, hiện đại, minh bạch và phục vụ tốt hơn cho người dân."
Chuyển đổi số không chỉ là công cụ, mà còn là động lực để nâng cao năng lực quản lý, điều hành của cơ quan THADS các cấp, tạo nền móng vững chắc cho một nền tư pháp hiện đại, chuyên nghiệp và phục vụ tốt hơn cho Nhân dân.
Đồng chí Nguyễn Thắng Lợi - Cục trưởng Cục Quản lý thi hành án dân sự chia sẻ về dấu mốc chính thức triển khai Hệ thống Biên lai điện tử trong hoạt động thi hành án dân sự: “Việc triển khai Hệ thống Biên lai điện tử là bước đi quan trọng để phục vụ người dân tốt hơn – giúp nộp tiền và nhận chứng từ thi hành án mọi lúc, mọi nơi, thay cho hình thức thu tiền mặt và biên lai giấy trước đây. Hệ thống được Cục và FPT thiết kế với ba yêu cầu chính: phát hành biên lai điện tử qua email, tin nhắn; lưu trữ tập trung để quản lý, thống kê; và tăng cường minh bạch trong thu – chi. Sau thời gian vận hành từ ngày 23/6, gần 3.000 biên lai điện tử đã được phát hành, gần 2.000 tỷ đồng được nộp qua kênh số – cho thấy hiệu quả rõ rệt và hướng đi đúng đắn trong chuyển đổi số thi hành án".
Về phía Tập đoàn FPT, ông Trương Gia Bình - Chủ tịch Tập đoàn FPT bày tỏ: “Việt Nam đang đứng trước thời điểm quan trọng và các cơ hội lớn chưa từng có để sắp xếp lại, làm mới và thiết kế các hệ thống quản lý hiện đại hàng đầu trên thế giới. Bộ Tư pháp đóng vai trò trụ cột quốc gia quan trọng và trong bối cảnh mới công nghệ sẽ giúp ngành Tư pháp thực thi pháp lý vừa hiệu lực, hiệu quả và tiết kiệm. Với sự chỉ đạo của Đảng Chính phủ thông qua “Bộ tứ trụ cột” - chúng ta đang làm những việc tuyệt vời. Bộ Tư pháp đã tiên phong đưa ra kế hoạch ứng dụng chuyển đổi số theo 2 giai đoạn Cấp bách - Đột phá và cụ thể hệ thống biên lai điện tử được triển khai thần tốc chỉ trong 30 ngày. FPT trân trọng và tự hào được tham gia đồng hành cùng Bộ Tư pháp để tạo nên thay đổi, đóng góp cho đất nước những giá trị quan trọng. Khát vọng của FPT là bằng công nghệ để đơn giản hoá các thủ tục hành chính công. - hệ thống Biên lai điện tử là điển hình đột phá theo hướng không giấy tờ, ứng dụng AI, mang lại công cụ mạnh mẽ để làm việc nhanh hơn, thuận tiện hơn chỉ trong vài phút, vài giây và thực thi trên nền tảng số phi địa giới hành chính. Đây là bước đầu, bản lề, nhiều thách thức và nhiệm vụ quan trọng phía trước, chúng ta cần hướng tới khai thác, xử lý dữ liệu một cách hệ thống. Chúng tôi tin tưởng công nghệ số và AI có sức mạnh vượt trội để Bộ Tư pháp trở thành một trong những đơn vị hiện đại hàng đầu trong ngành Tư pháp thế giới”.
Trong bối cảnh ngành THADS đang không ngừng nâng cao chất lượng hoạt động và hiện đại hóa phương thức điều hành, việc ứng dụng hệ thống Biên lai điện tử được xem là một giải pháp trọng điểm. Trong thời gian tới, nền tảng số Thi hành án dân sự gồm nhiều ứng dụng như hệ thống Biên lai điện tử, ứng dụng hỗ trợ ra quyết định thi hành án bằng AI, xử lý đơn thư, kết nối cổng dịch vụ công... sẽ được tiếp tục đẩy mạnh triển khai giúp chuyển đổi toàn diện quy trình quản lý, nâng cao hiệu quả điều hành và cải thiện chất lượng phục vụ công dân.
Là đơn vị công nghệ đồng hành triển khai giải pháp, FPT đã phối hợp cùng Cục Quản lý thi hành án dân sự tiến hành xây dựng phương án và triển khai hệ thống Biên lai điện tử trong thời gian thần tốc, chỉ 30 ngày cho Hệ thống Biên lai điện tử, các chuyên gia FPT cùng Bộ Tư pháp đã tiến hành phát triển hệ thống, triển khai và đào tạo diện rộng trên quy mô toàn quốc để đảm bảo vận hành liền mạch ngay từ ngày 1/7/2025. FPT đồng hành chặt chẽ cùng Bộ Tư pháp nói riêng và các đơn vị Chính phủ, bộ ngành, doanh nghiệp nói chung trong hành trình ứng dụng chuyển đổi số, hiện thực hoá tinh thần Nghị quyết 57-NQ/TW.