Chuyên gia chứng khoán VikkiBankS: VN-Index vượt đỉnh nhưng nhà đầu tư cần lựa chọn đúng cổ phiếu
Sau chuỗi tăng điểm ấn tượng, VN-Index chính thức vượt ngưỡng 1.370 điểm – đánh dấu vùng giá cao nhất kể từ năm 2022. Diễn biến này phần nào củng cố kỳ vọng về một xu hướng tăng rõ rệt trong ngắn hạn. Tuy nhiên, thanh khoản vẫn chưa cải thiện tương xứng, trong khi dòng tiền tiếp tục luân chuyển giữa các nhóm ngành khiến nhà đầu tư phải cân nhắc kỹ lưỡng chiến lược giao dịch phù hợp.
Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Huỳnh Anh Tuấn, Tổng Giám đốc CTCK Vikki (VikkiBankS) về chủ đề diễn biến thị trường cũng như cơ hội và rủi ro trong tháng 7.
Phóng viên: Diễn biến tích cực của chỉ số trong tuần qua có đang phản ánh một giai đoạn tăng trưởng thực sự trên thị trường không, thưa ông?
Ông Huỳnh Anh Tuấn: Tôi cho rằng thị trường thực tế đang nằm trong xu hướng tăng. Việc VN-Index vượt mốc 1.370 điểm là kết quả tích lũy sau những nhịp điều chỉnh kỹ thuật. Thực tế, mỗi lần chỉ số tăng đến một vùng kháng cự nhất định thì đều xuất hiện lực chốt lời khiến thị trường điều chỉnh nhẹ, đây là điều hoàn toàn bình thường và không làm thay đổi xu hướng tổng thể.
Do đó, tôi đánh giá rằng xu hướng tăng vẫn đang được duy trì, nhưng thị trường cần thêm thời gian để kiểm chứng mức độ bền vững, đặc biệt khi các yếu tố hỗ trợ vĩ mô vẫn đang trong giai đoạn chờ đợi.
Phóng viên: Giai đoạn gần đây, nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn như Vingroup, Masan tiếp tục dẫn dắt thị trường. Ông nhìn nhận như thế nào về sự phụ thuộc của dòng tiền vào nhóm trụ?
Ông Huỳnh Anh Tuấn: Thị trường hiện đang vận hành theo kỳ vọng đón đầu việc nâng hạng thị trường, yếu tố có sức lan tỏa rất lớn. Khi kỳ vọng này xuất hiện, dòng tiền thường ưu tiên nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn hoặc những mã được nhà đầu tư nước ngoài quan tâm.
Tôi nhận thấy hiện tượng rất rõ, khi dòng tiền ngoại bắt đầu mua vào một cổ phiếu nào đó, thì nhà đầu tư trong nước lập tức phản ứng theo. Điều này phần nào cho thấy tâm lý nhà đầu tư nội đang đặt niềm tin vào các tổ chức ngoại, vốn được đánh giá là có kinh nghiệm hơn trong giai đoạn thị trường còn thiếu thanh khoản.
Cụ thể như trường hợp của Vingroup, cổ phiếu này ghi nhận lực mua ròng mạnh từ khối ngoại, đồng thời cũng nhận được hỗ trợ từ nhiều thông tin tích cực như dự án đường sắt cao tốc Bắc – Nam hay phát triển khu đô thị Cần Giờ.
Bên cạnh đó, dòng tiền mới cũng đang tìm đến các cổ phiếu bán lẻ như Masan hay Vincom Retail, nơi khối ngoại vẫn duy trì lực mua tốt. Ngoài ra, nhóm bất động sản và khu công nghiệp cũng đang được quan tâm trở lại trong bối cảnh thị trường kỳ vọng đàm phán thuế quan giữa Việt Nam và Mỹ sẽ diễn ra thuận lợi, mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng.
Tuy nhiên, hiện tại tôi chưa thấy dòng tiền thực sự nổi bật ở nhóm ngành nào. Dòng tiền vẫn đang xoay vòng, chưa có xu hướng rõ ràng. Tôi kỳ vọng nếu việc nâng hạng thị trường tiến triển tích cực vào tháng 9, khi đó dòng tiền mới có sự phân hóa và định hình rõ rệt hơn.
Phóng viên: Thị trường có vẻ khởi sắc, nhưng thanh khoản vẫn còn dè dặt. Theo ông, điều này phản ánh điều gì về tâm lý nhà đầu tư trong thời gian tới?
Ông Huỳnh Anh Tuấn: Tôi cho rằng tháng 7 sẽ là giai đoạn thị trường phân hóa mạnh mẽ. Lý do là vì đây là thời điểm các doanh nghiệp bắt đầu công bố kết quả kinh doanh quý II, đặc biệt là nhóm ngân hàng, khi tín dụng nửa đầu năm đã tăng khá tốt. Dù vậy, khuyết điểm của nhóm ngân hàng là quy mô tín dụng quá lớn, khiến dòng tiền hiện tại chưa đủ để hấp thụ toàn bộ. Điều này sẽ khiến thị trường tiếp tục phân hóa thay vì bứt phá mạnh mẽ.
Tôi đánh giá rằng thị trường tháng 7 sẽ tiếp tục duy trì trạng thái tăng giảm đan xen và thiên về xu hướng sideway. Đây sẽ là giai đoạn khó chịu với nhà đầu tư, vì nếu không chọn đúng cổ phiếu theo đúng thời điểm và thông tin, khả năng đạt được lợi nhuận sẽ rất thấp.
Tôi đã gặp không ít nhà đầu tư than phiền rằng chỉ số tăng khá mạnh, nhưng danh mục cá nhân lại không biến động nhiều. Tình trạng “xanh vỏ đỏ lòng” này phản ánh chính xác những gì đang xảy ra khi thị trường tăng nhưng không đồng đều và việc lựa chọn cổ phiếu đúng xu hướng là yếu tố then chốt trong giai đoạn tới.
Phóng viên: Trong bối cảnh định giá nhiều cổ phiếu đã tăng khá, ông đánh giá mặt bằng định giá thị trường hiện tại như thế nào?
Ông Huỳnh Anh Tuấn: Tôi cho rằng thị trường hiện tại đang ở mặt bằng định giá khá hợp lý. Dù khối ngoại vẫn bán ròng, nhưng tôi đánh giá dòng tiền trong nước đang rất dồi dào, là lực đỡ chính cho thị trường.
Gần đây, tôi thấy nhóm bán lẻ đang quay trở lại đà tăng, một phần đến từ các chiến dịch mạnh tay của Chính phủ trong việc xử lý hàng giả, hàng nhái, hàng online không rõ nguồn gốc. Điều này khiến người tiêu dùng có xu hướng quay lại với các kênh bán lẻ truyền thống, từ đó tạo động lực cho cổ phiếu bán lẻ.
Ngoài ra, nhóm ngân hàng cũng sẽ tiếp tục ghi nhận kết quả kinh doanh tích cực. Tôi cũng đánh giá cao nhóm bất động sản khu công nghiệp trong thời gian tới, khi kỳ vọng về kết quả đàm phán thương mại tích cực có thể mở ra cơ hội mới cho chuỗi cung ứng.
Về mặt đầu tư, tôi thấy nhiều cổ phiếu đang có suất sinh lời cổ tức rất hấp dẫn. Ví dụ như cổ phiếu ngân hàng đang giao dịch ở vùng giá 22.000–25.000 đồng, nhưng chi trả cổ tức tới 20–25%, cao gấp đôi so với lãi suất tiền gửi. Trong bối cảnh lãi suất tiết kiệm duy trì ở mức 5–6%, thì lựa chọn cổ phiếu cổ tức cao là một hướng đi an toàn cho dòng tiền nhàn rỗi.
Tôi cũng lưu ý rằng với mục tiêu GDP năm nay đặt ở mức 7-8%, tăng trưởng lợi nhuận doanh nghiệp được kỳ vọng đạt 17–18%, thậm chí có doanh nghiệp đạt 20%. Với P/E trung bình chỉ quanh 13 lần, tôi cho rằng mặt bằng định giá hiện tại hoàn toàn phù hợp để đầu tư dài hạn.
Phóng viên: Xin cảm ơn ông đã dành thời gian trao đổi!