A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hợp lực điều hành chính sách tiền tệ, tài khóa thúc đẩy tăng trưởng kinh tế

Theo PGS,TS. Phạm Thị Hoàng Anh, Phó Giám đốc Phụ trách Học viện Ngân hàng cho biết, nền kinh tế Việt Nam đã đi được nửa chặng đường của năm, với tăng trưởng GDP 6 tháng đạt 7,52%. Đây là mức tăng trưởng khá cao, nhưng áp lực đạt mục tiêu tăng trưởng cả năm trên 8% là không nhỏ thì càng cần hơn hết sự hợp lực của cả hai chính sách tiền tệ và tài khóa.

Phóng viên: Kết quả công bố của Cục Thống kê cho thấy, 6 tháng đầu năm 2025, nền kinh tế Việt Nam ghi nhận tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng 7,52% - mức cao nhất kể từ năm 2011, là chuyên gia tài chính – ngân hàng, bà đánh giá thế nào về việc điều hành chính sách tiền tệ góp phần tăng trưởng kinh tế?

PGS,TS. Phạm Thị Hoàng Anh: Trong bối cảnh toàn cầu hóa kinh tế và là một nền kinh tế có độ mở cao, trong 6 tháng đầu năm 2025, Việt Nam chịu nhiều ảnh hưởng từ những biến động và bất ổn trong chính sách kinh tế, chính sách thuế quan của Hoa Kỳ, cũng như từ các căng thẳng địa chính trị trên toàn cầu. Bên cạnh đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm lại ở nhiều quốc gia, cùng với dự báo về tình trạng lạm phát đình trệ toàn cầu đã tạo ra những rủi ro tiềm tàng đối với thị trường tài chính – tiền tệ và thị trường hàng hóa quốc tế.

Dẫu vậy, tiếp theo đà tăng trưởng năm 2024, nền kinh tế Việt Nam tiếp tục duy trì mức tăng trưởng ấn tượng trong 6 tháng đầu năm 2025 với con số 7,52%, tăng cao nhất trong gần 20 năm trở lại đây, với tăng trưởng vượt trội ở hầu hết các ngành chủ lực. Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát tiếp tục được kiểm soát tốt, bình quân 6 tháng đầu năm 2025 là 3,27%.

pgs-ts.-pham-thi-hoang-anh-pho-giam-doc-phu-trach-ban-dieu-hanh-hoc-vien-ngan-hang..jpg

PGS,TS. Phạm Thị Hoàng Anh, Phó Giám đốc Phụ trách Học viện Ngân hàng

Trong 6 tháng đầu năm 2025, Ngân hàng Nhà nước đã chủ động điều hành các công cụ của chính sách tiền tệ linh hoạt, hiệu quả bám sát diễn biến kinh tế vĩ mô, thị trường trong, ngoài nước và chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Qua đó, góp phần ưu tiên thúc đẩy mạnh mẽ tăng trưởng kinh tế gắn với giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đảm bảo an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng.

Cụ thể, lãi suất điều hành được duy trì ở mức thấp để định hướng thị trường giảm lãi suất cho vay hỗ trợ doanh nghiệp và người dân. Mặt bằng lãi suất cho vay bình quân giao dịch phát sinh mới của ngân hàng thương mại ở mức 6,3%/năm, giảm 0,6%/năm so với cuối năm 2024. Doanh nghiệp và người dân đang tiếp cận vốn vay với lãi suất thấp hơn trước đây.

Về điều hành tỷ giá linh hoạt, phù hợp, góp phần hấp thu các cú sốc bên ngoài; Ngân hàng Nhà nước đã phối hợp với các công cụ chính sách tiền tệ khác để giảm bớt áp lực đối với tỷ giá và thị trường ngoại tệ. Tỷ giá đã diễn biến linh hoạt, phù hợp với điều kiện thị trường. Cùng với đó, tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp quản lý nhà nước về thị trường vàng.

Đối với điều hành tín dụng, ngay từ cuối năm 2024, Ngân hàng Nhà nước thông báo công khai, minh bạch về nguyên tắc giao tăng trưởng tín dụng năm 2025 để các tổ chức tín dụng chủ động triển khai thực hiện. Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục triển khai lộ trình hạn chế và tiến tới xóa bỏ việc điều hành phân bổ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho từng tổ chức tín dụng.

Bằng nhiều giải pháp đồng bộ, hiệu quả, tăng trưởng tín dụng tích cực cải thiện so với cùng kỳ năm 2024. Đến ngày 30/6/2025, dư nợ tín dụng toàn hệ thống đạt hơn 17,2 triệu tỷ đồng, tăng 9,9% so với cuối năm 2024, tăng 19,32% so với cùng kỳ năm 2024.

Phóng viên: Thông thường theo chu kỳ vào thời điểm nửa cuối năm nhu cầu vốn tăng mạnh tạo áp lực lớn lên hệ thống ngân hàng, theo bà đâu là những rủi ro cho ngân hàng khi hệ thống ngân hàng vẫn phải “gánh” vai trò cung ứng vốn trung và dài hạn, trong khi nguồn huy động chủ yếu là ngắn hạn, thậm chí không kỳ hạn?

PGS,TS. Phạm Thị Hoàng Anh: Trong nền kinh tế dựa quá nhiều vào tín dụng sẽ dẫn đến nhiều rủi ro cho hệ thống ngân hàng. Rủi ro dễ nhận thấy là rủi ro thanh khoản còn gọi là rủi ro kỳ hạn. Bởi lẽ, ngân hàng chủ yếu huy động vốn ngắn hạn trong khi phần lớn dư nợ cho vay là trung và dài hạn. Hiện khoảng 55% tổng tín dụng là trung và dài hạn, trong khi 80% huy động vốn lại là ngắn hạn hoặc không kỳ hạn. Từ đó, khiến hệ thống ngân hàng dễ tổn thương trước cú sốc thanh khoản.

z6805154827645_b6da4b1ed3ded954f1db6ea63f2e0686.jpg

Bên cạnh đó là tỷ lệ nợ xấu tiềm ẩn gia tăng. Áp lực tăng tín dụng cao để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế có thể gia tăng tình trạng “nới lỏng tiêu chuẩn tín dụng”, gây ra chất lượng tín dụng bị hạ thấp. Ngoài ra, tỷ lệ dự phòng nợ xấu của các ngân hàng Việt giảm từ mức 150% (năm 2022) xuống còn khoảng 83% giữa năm 2025. Điều này cho thấy dư địa ứng phó với rủi ro tín dụng ngày càng thu hẹp.

Việc tín dụng và cung tiền gia tăng mạnh, trong khi hiệu quả sử dụng vốn còn hạn chế, sẽ tạo áp lực lớn lên lạm phát; giá tài sản, đặc biệt là bất động sản, có xu hướng bị đẩy lên cao; tỷ giá USD cũng đối mặt với sức ép gia tăng. Nếu không được kiểm soát kịp thời, những bất ổn tài chính và vĩ mô này sẽ lan truyền và tác động tiêu cực đến nền kinh tế thực.

Phóng viên: Với dư nợ toàn nền kinh tế lên tới 134% GDP cuối năm 2024, vượt xa ngưỡng cảnh báo của nhiều tổ chức quốc tế. Vậy bà nhận định như thế nào về thực trạng này?

PGS,TS. Phạm Thị Hoàng Anh: Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2025 vượt 8%. Để tăng trưởng cao, tín dụng thường tăng cao để hỗ trợ. Đến cuối năm 2024, dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế đạt 15,6 triệu tỷ đồng, tương đương 134% GDP, vượt xa ngưỡng khuyến nghị an toàn của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF). Tính đến hết 6 tháng đầu năm 2025, tín dụng toàn nền kinh tế đã đạt trên 17,2 triệu tỷ đồng, tăng 9,9% so với cuối năm 2024, tăng 19,32% so với cùng kỳ năm 2024. Đây cũng là mức tăng trưởng tín dụng cao nhất kể từ 2023 đến nay.

Để đạt được các mục tiêu tăng trưởng, bên cạnh việc đẩy mạnh chi tiêu công, Việt Nam vẫn phải phụ thuộc vào kênh tín dụng ngân hàng, trong bối cảnh các kênh huy động vốn khác như thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường chứng khoán và huy động qua quỹ đầu tư vẫn đang gặp nhiều khó khăn và chưa phát huy hiệu quả như kỳ vọng. Việc tăng trưởng quá phụ thuộc vào tín dụng ngân hàng đang đặt ra nhiều lo lắng về tính bền vững trong cấu trúc vốn của nền kinh tế.

Phóng viên: Để hạn chế rủi ro về tỷ lệ tín dụng trên GDP thường xuyên vượt ngưỡng an toàn theo khuyến nghị của IMF, theo bà đâu là giải pháp ứng phó?

PGS,TS. Phạm Thị Hoàng Anh: Chính sách phát triển cấu trúc vốn cần chuyển trọng tâm từ số lượng sang chất lượng, từ tốc độ tăng trưởng tín dụng sang hiệu quả sử dụng vốn và khả năng “hấp thụ” của nền kinh tế. Tăng trưởng chỉ thực sự bền vững khi tín dụng là một phần trong hệ thống tài chính đa kênh, chứ không phải là “trụ cột” duy nhất “gồng gánh” cả nền kinh tế.

Việt Nam cần duy trì tốc độ tăng trưởng cao, nhưng không thể tiếp tục dựa quá nhiều vào tín dụng ngân hàng. Thách thức hiện nay là khơi thông các dòng vốn thay thế, tiến tới xây dựng một cấu trúc vốn đa dạng và cân bằng hơn. Trong đó, thị trường trái phiếu doanh nghiệp cần được phát triển theo hướng minh bạch, chuẩn hóa và ổn định. Khi hành lang pháp lý về phá sản, xếp hạng tín nhiệm và giới hạn vay nợ doanh nghiệp đã dần được hoàn thiện, cơ quan quản lý cần mạnh dạn nới điều kiện phát hành cho doanh nghiệp và mở rộng quyền tiếp cận cho nhà đầu tư. Việc này không chỉ giảm áp lực lên tín dụng ngân hàng mà còn giúp hình thành dòng vốn dài hạn cho nền kinh tế.

Đối với kênh cổ phiếu, mục tiêu trước mắt là nâng tỷ lệ vốn hóa thị trường cổ phiếu trên GDP tiệm cận mốc 100%. Theo đó, cần đẩy mạnh quá trình niêm yết doanh nghiệp, phát triển thêm công cụ tài chính để tăng thanh khoản và thu hút nhà đầu tư cả trong lẫn ngoài nước. Đồng thời, đẩy nhanh quá trình nâng hạng thị trường, cải thiện tính minh bạch và độ tin cậy. Khi các kênh huy động vốn này vận hành ổn định, thị trường sẽ giảm dần phụ thuộc vào dòng tiền ngắn hạn từ tín dụng.

Để thúc đẩy tăng trưởng, cũng cần xây dựng cơ chế thu hút đầu tư nước ngoài có chọn lọc và hiệu quả, tập trung xúc tiến, thu hút các dự án đầu tư nước ngoài có quy mô lớn, công nghệ cao, giữ sạch môi trường…

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn bà!

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết