A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

GDP Trung Quốc tăng trưởng chậm lại trong quý 2 ở mức 5.2%

Nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại trong quý 2, khi căng thẳng thương mại với Mỹ tiếp tục gây áp lực lên nền kinh tế đang phải đối mặt với tình trạng giảm phát và khủng hoảng bất động sản kéo dài. Điều này buộc Bắc Kinh phải tăng cường các biện pháp kích thích để hỗ trợ tăng trưởng.

Theo dữ liệu từ Cục Thống kê Quốc gia, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc tăng trưởng 5.2% trong quý 2, vượt ước tính 5.1% của các nhà kinh tế trong khảo sát Reuters, nhưng thấp hơn mức 5.4% trong quý đầu tiên.

Trong tháng 6, tăng trưởng bán lẻ chậm lại xuống 4.8% so với cùng kỳ năm trước, giảm từ mức 6.4% trong tháng 5. Con số này cũng thấp hơn dự báo 5.4% của các nhà kinh tế. Sản lượng công nghiệp mở rộng 6.8% so với cùng kỳ năm trước, vượt ước tính 5.7%.

Đầu tư tài sản cố định tăng 2.8% trong nửa đầu năm, thấp hơn ước tính 3.6%. Tỷ lệ thất nghiệp đô thị duy trì ở mức 5% trong tháng 6, sau khi chạm đỉnh hai năm là 5.4% vào tháng 2.

Hồi tháng 4, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đẩy thuế quan đối với hàng nhập khẩu Trung Quốc lên mức ngất ngưởng 145%, thúc đẩy Bắc Kinh tung ra loạt biện pháp kích thích, bao gồm hỗ trợ tài chính cho các nhà xuất khẩu gặp khó khăn, trợ cấp cho doanh nghiệp thuê sinh viên mới tốt nghiệp và mở rộng chương trình đổi hàng tiêu dùng.

Hai bên đạt được thỏa thuận đình chiến thuế quan vào tháng 5, đồng ý rút lại hầu hết thuế quan. Các nhà đàm phán sau đó phác thảo khung thỏa thuận tại London vào tháng 6, bao gồm việc Trung Quốc đẩy nhanh phê duyệt xuất khẩu đất hiếm và Washington nới lỏng hạn chế công nghệ cũng như thị thực sinh viên Trung Quốc.

Hiện Bắc Kinh vẫn còn thời gian đến ngày 12/08 để đạt thỏa thuận toàn diện hơn với Washington. Lãnh đạo Trung Quốc vào tháng 5 đã công bố loạt bước chính sách hỗ trợ nền kinh tế bị ảnh hưởng bởi thuế quan, bao gồm cắt giảm lãi suất và bơm thêm thanh khoản.

Các biện pháp kích thích đã giúp cải thiện một số khía cạnh của nền kinh tế. Cả khảo sát chính thức và tư nhân đều cho thấy hoạt động sản xuất được cải thiện.

Xuất khẩu cũng vẫn kiên cường trong quý này khi các doanh nghiệp đẩy nhanh chuyển hướng sang thị trường thay thế. Xuất khẩu sang Mỹ giảm 10.9% tính đến tháng 6/2025, trong khi xuất khẩu sang Đông Nam Á và EU - hai đối tác thương mại lớn nhất - tăng vọt 13% và 6.6%.

Điều này đưa thị phần xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ xuống 11.9% trong nửa đầu năm, từ mức 14.1% cùng kỳ năm ngoái, theo dữ liệu hải quan công bố vào ngày 14/07.

Mặc dù nền kinh tế Trung Quốc vẫn duy trì nền tảng vững chắc nhờ xuất khẩu mạnh và các biện pháp hỗ trợ, các chuyên gia kinh tế phần lớn thận trọng về những thách thức phía trước, kêu gọi lãnh đạo tung ra gói kích thích tài khóa mới.

Trong tuần trước, Huang Yiping, Cố vấn cho Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC), cho biết các nhà chức trách cần bổ sung tới 1.5 ngàn tỷ Nhân dân tệ kích thích tài khóa để thúc đẩy chi tiêu hộ gia đình và bù đắp tác động từ thuế quan Mỹ, đồng thời cắt giảm lãi suất thêm nữa.

Mặc dù dữ liệu kinh tế gần đây cho thấy tăng trưởng có thể vượt 5% trong quý 2, "các chỉ số sâu hơn như chỉ số giá tiêu dùng yếu, chỉ số PMI thấp, tín dụng thận trọng và thất nghiệp cao trong nhóm người lao động di cư cho thấy sự mong manh trong nền tảng cơ bản", các nhà kinh tế nhận định.

Theo họ, cải cách cấu trúc về kế hoạch tài khóa, hệ thống lương hưu và khu vực tài chính của Trung Quốc là cần thiết để đảm bảo tăng trưởng cân bằng và bền vững hơn.

- 09:38 15/07/2025


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết